Cập nhật: 02/05/2023

Nghe chửi thì mới khôn lên được, đây là một tư duy hết sức tầm bậy. Bởi vì khi bị chửi, người ta đương nhiên sẽ tức.

Và khi chúng ta tức giận, cơ thể sẽ sinh ra các chất gây độc hại cho hệ thần kinh trung ương, tăng đường huyết cơ thể, gây hại cho gan, làm não nhanh lão hóa, gây tổn thương dạ dày và tổn thương phổi, và ảnh hưởng nghiệm trọng đến hệ thống miễn dịch.

Khi cơ thể bị tác động mạnh như thế, thì hỏi có khôn lên được không, có tiến bộ được không?

Góp ý khó nghe thì mới tiến bộ được (tư duy sai lầm)

Giả sử bạn là sếp, khi thấy nhân viên làm sai, bạn rất khó chịu và nói những lời khó nghe. Bạn muốn nhân viên làm tốt hơn.

Nhưng khi nói những lời gây bực tức, bạn đã tạo ra một bầu không khí tiêu cực trong công ty. Khi nhân viên nghe chửi, họ sẽ rất khó chịu, cơ thể sẽ gây ra những chất độc gây ức chế hệ thần kinh… kết quả là họ sẽ “ngu hơn”.

Sau khi bị ăn chửi, tư duy của nhân viên sẽ bị sói mòn, không còn linh hoạt và khoáng đạt như trước, kết quả là công việc còn hỏng tệ hơn, chậm tiến độ hơn.

Và khi anh nhân viên về nhà, anh ấy rất có thể sẽ phát tiết cơn nóng giận lên người thân, dần dần sẽ tạo thành một bầu không khí tiêu cực trong gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cách con trẻ.

Vậy nên nghe chửi thì chẳng tiến bộ được đâu, người ta sẽ bị ngu đi thôi. Và sẽ dần gây rạn nứt trong các mối quan hệ.

Nếu một người thường cọc cằn với người khác, thì vì quan hệ xã giao, những người khác sẽ nhịn. Nhưng đến lúc khó khăn, họ sẽ thấy rằng, chẳng ai giúp họ cả, không ai thích những người cọc tính.

Làm sếp mà chửi nhân viên, rồi lại bảo là “nghe chửi thì mới khôn lên được”, thì kiểu gì cũng sẽ bị nhân viên quay lưng.

Về nhà mà đem vợ con ra để chút giận, thì khi cức nhỡ, ngay cả người thân cũng sẽ bỏ họ mà đi. 

Văn hóa chửi của người Việt Nam

Ở ví dụ bên trên, vì xử lý không khéo, mà ông sếp đã chút cơn bực tức lên nhân viên, tạo một bầu không khí tiêu cực trong văn phòng làm việc, chất lượng làm việc của cả đội nhóm sẽ tụt giảm trầm trọng.

Ấy vậy mà nhiều người Việt Nam vẫn cho rằng chửi người khác là đúng, là tốt cho người khác. Bởi vì trong tục ngữ có câu: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Tục ngữ nói như vậy là chỉ có tính tương đối, chủ yếu nói về việc dạy dỗ con trẻ. Dạy con giống như uốn nắn một cái cây, muốn nó đẹp thì cũng có lúc phải cứng rắn, bẻ đi những cành không tốt. Nhưng đồng thời cũng phải thường xuyên tưới nước, chăm sóc cây. Tức là vừa phải có cứng, vừa phải có mềm.

Ở công ty, nhân viên thì nghĩ rằng mình phải nghe chửi thì mới khôn lên được. Còn sếp thì chút cơn tức lên nhân viên, và chúng ta cứ nghĩ rằng điều này là đúng. Bởi vì “thương cho roi cho vọt mà”.

Tôi thấy ở nước ngoài, có những tập đoàn cực lớn như là Facebook, Google. Họ có mắng chửi nhân viên không? Không hề, mà họ gắng tạo ra một văn hóa “gia đình”, coi mọi nhân viên như là người thân.

Vậy nên họ đầu tư rất tốt cho nhân viên, đi chơi và du lịch miễn phí, còn làm giường ở công ty, để cho nhân viên khi nào mệt thì lăn ra đó mà ngủ.

Chính vì đãi ngộ tốt như thế, nên nhân viên làm việc rất chăm chỉ, rất sáng tạo, chất lượng công việc cực cao. Vậy nên họ mới trở thành những tập đoàn bá chủ, người Việt Nam chẳng thể theo kịp.

Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói

Tôi nghĩ đa số mọi người đều biết đến câu nói này: “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Không có nghĩa là bạn phải thật sự uốn lưỡi, mà ý là bạn cần nghĩ 7 lần trước khi nói.

Nghĩ đi nghĩ lại, xem xét câu nói của mình từ các góc độ khác nhau, xem câu nói sẽ gây ra tác dụng gì, ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực như thế nào, dự đoán kết quả của nó ra làm sao.

Viết thì viết vậy, nhưng tôi dám cá với bạn rằng, con người ngày nay họ còn không nghĩ được 1 lần trước khi nói nữa, không kiểm soát được cái miệng. Những người nghĩ một lần trước khi nói là đã giỏi lắm rồi.

Khi bạn không nghĩ trước khi nói, bạn sẽ có thể vô ý động chạm lòng tự ái của những người khác (mà chính bạn cũng không biết). Kết quả là họ sẽ ghi hận bạn, tìm cơ hộ trả thù.

Một số người tốt hơn, họ không chấp với bạn, nhưng khi bạn có khó nạn, thì họ sẽ ngoảnh mặt làm ngơ, không ai giúp đâu.

Cách góp ý đúng đắn (không làm mất lòng người khác)

Trong quyển sách “đắc nhân tâm” có một bí quyết rất hay. Trước khi góp ý (chửi), hãy tìm những điểm tốt của người khác, khen họ một tý. Sau đó mới góp ý, và khi góp ý thì tránh dùng những từ ngữ nặng.

Như vậy sẽ không làm mất lòng người ta, mà người ta cũng tiếp thu ý kiến, từ đó họ sẽ có động lực làm tốt hơn.

Góp ý nhẹ nhàng, sẽ không làm người khác bị tổn thương, hệ thần kinh của họ sẽ không sinh ra những chất độc hại, mà tinh thần họ cũng thoải mái, tư duy sẽ rộng mở, công việc sẽ làm với chất lượng cao hơn.

Lý thuyết thì nói vậy, điều này tưởng là dễ, nhưng chẳng mấy ai làm được đâu. Chỉ khi đối sử thành tâm với người khác, quan tâm tới cảm xúc của người khác, thì người ta mới quý mến bạn.

Muốn thu phục nhân tâm, thì đừng quan tâm đến thu phục nhân tâm. Chỉ cần đối tốt với người khác là được.

Nên làm gì khi nhận được lời góp ý lịch sự

Nếu một ngày ông sếp gọi bạn vào phòng, đầu tiên ông ấy khen bạn một chút, sau đó nói giảm nói tránh và chỉ ra một số lỗi cho bạn, để bạn có thể sửa lỗi và làm việc tốt hơn.

Vậy thì bạn cần hiểu rằng, không phải là bạn thật sự “giỏi” đâu, cũng không phải là bạn thật sự “tốt” giống như ông sếp khen đâu. Người ta đang nói giảm nói tránh, để tránh làm bạn buồn, người ta quan tâm đến cảm xúc của bạn.

Nhưng bạn cần hiểu ý rằng, không phải tự nhiên mà họ làm thế. Bạn chắc chắn đã làm sai, đã làm không tốt, thì mới bị gọi vào phòng như vậy. Sếp gọi bạn vào phòng riêng cũng là để tránh làm bạn mất mặt với đồng nghiệp.

Lúc này, bạn cần thật sự quay lại và chăm chỉ làm thật tốt công việc, nỗ lực tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa.

Sếp nói nhẹ nhàng, không phải là không có chuyện gì to tát. Mà là có chuyện thì họ mới nói. Nếu bạn cứ coi đó là không có gì to tát, nếu bạn cứ tiếp tục mắc lỗi và làm không tốt công việc thì sao?

Thì rất có thể, ông sếp sẽ tìm một lý do nào đó có vẻ rất “thích hợp” để đuổi việc bạn một cách khéo léo. Ông sếp biết cách nói giảm nói tránh để tránh làm nhân viên tổn thương, thì ông này chắc chắn là một người rất khéo, vậy nên nếu ông này muốn tìm lý do để đuổi việc nhân viên, thì chắc chắn cũng sẽ tìm được một lý do rất khéo léo.

Vậy nên, khi bạn nhận được một lời góp ý lịch sự từ người khác, thì phải nghiêm túc xem xét lại bản thân, từ đó đưa ra những thay đổi tích cực.

Nên làm gì khi bị chửi

Có một số người sẵn sàng nói nặng với người khác, rồi sau đó lại lấy lý do là “góp ý khó nghe để cho người ta tiến bộ”.

Khi bị ăn chửi, người ta không biểu hiện ra mặt, nhưng sẽ ấm ức trong tâm. Hệ thần kinh trung ương sẽ sản sinh là những hóc môn tai hại cho não bộ và cho cơ thể. Vậy nếu bạn bị nghe chửi nhiều, bạn sẽ ngu đi, tư duy sẽ bị mòn đi.

Vậy nên nếu bạn phải tiếp xúc với những người như vậy trong cuộc sống, thì có cũng có cách:

Bạn có thể đối tốt với họ, dùng thiện tâm để cảm hóa họ, nói lời lịch sự với họ, bỏ qua cho họ. Đây là cách tốt nhất, nếu người ta có thể thay đổi, thì quả thật rất tốt.

Mặc dù như thế, nhưng trong tâm, bạn hãy chuẩn bị để “đánh bài chuồn”.

Bạn hãy xem giới hạn tối thiểu mà bạn có thể chịu là bao nhiêu. Ví dụ như bạn có thể chịu được 3 lần xúc phạm, hoặc 10 lần xúc phạm…

Nếu vượt qua số lần đó, thì hãy ngay lập tức chuồn đi. Ba mươi sáu kế, tẩu là thượng sách, chuồn càng nhanh càng tốt. Những thứ tiêu cực độc hại đó sẽ không làm bạn tiến bộ lên đâu, nó sẽ chỉ làm bạn ngu đi mà thôi.

Ở văn phòng mà phải chịu ấm ức trong thời gian dài, thì hãy nhảy việc càng nhanh càng tốt. Cái công ty với môi trường tiêu cực như vậy, thì sớm muộn gì cũng toang.

Vậy nếu ở trong gia đình thì sao?

Có một khái niệm là “gia đình độc hại”. Tôi biết được khái niệm này khi đọc thông tin từ nước ngoài. Đó là có những đứa trẻ phải chịu đựng môi trường tiêu cực từ cha mẹ, thì sau khi lớn, chúng đã bỏ đi mất, không trở về, không gọi điện gì cả, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với cha mẹ.

Nếu gia đình không phải tổ ấm, thì chúng ta tìm gia đình khác vậy.

Thật sự có những người không hợp nhau, không thể nào hòa hợp được, và chả có lý do gì phải ở cùng họ. Cuộc đời là của bạn, bạn cần tự quyết định. Tuy nhiên, vẫn cần suy xét ở nhiều góc độ, không nên nông nổi.

Tổng kết

“Nghe chửi thì mới khôn lên được. Góp ý khó nghe thì mới tiến bộ được”. Đó là những tư tưởng rất nhảm nhí mà nhiều người vẫn tin.

Nếu bạn là người hay cục cằn với bạn bè, với gia đình, thì hãy xem xét lại bản thân, từng bước mà sửa đổi tính cách cho tốt hơn.

Nếu bạn bị người khác đối xử không tốt, thì hãy bỏ qua cho họ, dùng thiện tâm để đối xử với họ. Con người ai mà chẳng có lúc nóng nảy.

Nhưng nếu bạn nhắm thấy không hợp, thì tốt nhất nên chuồn thật sớm. Hãy tránh xa những người với tư duy “nghe chửi thì mới khôn được”. Họ là những người thường bị chửi, và thích chửi người khác.

Đừng để môi trường tiêu cực kiểm soát bạn.

Tham khảo:

https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/tac-hai-doi-voi-suc-khoe-khi-thuong-xuyen-tuc-gian-1114

Đọc thêm:

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x