Vào thời xưa, Nho gia nhìn nhận con người có đồng thời hai mặt thiện ác, và để giáo hoá con người, thì dùng Lễ để ước thúc dục vọng. Còn Pháp gia thì ngược lại, họ cho rằng bản chất của con người là ác, và phải dùng ‘Hình’ để trừng trị, tức là dùng hình phạt hà khắc. Cho nên, học thuyết của Pháp gia có thể được gói gọn trong 3 chữ là ‘tính ác luận’, và biện pháp thực hiện là ‘lấy ác trị ác’.

Pháp gia là gì, ảnh hưởng của Pháp gia như thế nào, các nhân vật đại diện của Pháp gia là những ai, và kết cục của họ ra sao. Tất cả sẽ được giải đáp trong loạt bài này. 

Bối cảnh hình thành của Pháp gia

Khi thấy chữ “Pháp” trong Pháp gia, người ta thường nhìn chữ mà đoán nghĩa, họ cho rằng người coi trọng pháp luật là nhân vật của Pháp gia, ví như Quản Trọng, Gia Cát Lượng, Tào Tháo. Nhưng trên thực tế, những lý luận của họ chưa thể hệ thống thành tư tưởng Pháp gia. Cho nên, với góc nhìn cá nhân thì Pháp gia chỉ có 3 nhân vật đại biểu là: Thương Ưởng, Lý Tư, và Hàn Phi Tử. 

Trong đó, Thương Ưởng là người đặt nền móng với ‘Thương Ưởng biến pháp’, Hàn Phi Tử là người hệ thống hoá tư tưởng Pháp gia, còn Lý Tư dùng âm mưu giúp Tần Thuỷ Hoàng tiêu diệt 6 nước chư hầu, thực hiện phế bỏ chế độ ‘phân đất phong hầu’, và thiết lập chế độ quận huyện. 

Thương Ưởng sinh vào giữa thời kỳ Chiến Quốc. Thời Chiến Quốc khác thời Xuân Thu như thế nào? 

Thời Xuân Thu nhà Chu, họ thực hiện chế độ ‘phân đất phong hầu’. Thiên tử phân phong cho Chư hầu, Chư hầu phân phong cho Đại phu, Đại phu phân phong cho Sĩ. Còn hình thức kế thừa là theo tông pháp, nghĩa là con trai trưởng của vợ cả sẽ nối nghiệp, những người con còn lại thì giáng hạ một cấp. Điều này nghĩa là: 

  • Con trai trưởng của Thiên tử là Thiên tử, những người con khác sẽ bị giáng cấp xuống, thành Chư hầu. 
  • Con trai trưởng của Chư hầu vẫn là Chư hầu, những người con khác sẽ bị giáng cấp xuống, thành Đại phu.
  • Con trai trưởng của Đại phu vẫn là Đại phu, những người con khác sẽ bị giáng cấp xuống, thành Sĩ.
  • Con trai trưởng của Sĩ vẫn là Sĩ, những người con khác sẽ bị giáng cấp xuống, thành dân thường. 

Thiên tử, Chư hầu, Đại phu, và Sĩ, là 4 giai tầng quý tộc, họ có mối quan hệ thân thích.

Chiến tranh thời Xuân Thu là để thảo phạt Chư hầu có tội, chứ không có ý chiếm đất của nhau. Nhưng đến cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc, thì mục đích chiến tranh đã chuyển thành chiếm đất, chiếm của cải và dân số. Do đó, thời kỳ Chiến Quốc, trên chiến trường người ta dùng Binh gia, quan hệ ngoại giao với Chư hầu thì dùng Tung hoành gia, còn xử lý vấn đề nội chính thì dùng Pháp gia. 

Nếu Chư hầu muốn phát động chiến tranh, huy động quốc lực, thì họ vướng phải một điều là: Trong một bang quốc do Chư hầu làm chủ, có nhiều phần đất phân cho Đại phu. Mà các Đại phu có quân đội riêng, có tài chính riêng, có quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm trên mảnh đất đó, cho nên đây có thể coi là vùng đất tương đối độc lập. Như vậy, Chư hầu sẽ không nắm được quyền chủ động, cho nên phải cải cách, phải thu hồi đất đai của Đại phu. Dưới tình huống như vậy, Pháp gia đã phế bỏ chế độ phong đất phong hầu, và thiết lập chế độ quận huyện.

Thương Ưởng: Đại biểu đầu tiên của pháp gia

Đại điện đầu tiên của Pháp gia là Thương Ưởng, ông vốn là người nước Vệ. Tên ban đầu của ông là Vệ Ưởng, hoặc là Công Tôn Ưởng, cái tên Thương Ưởng là sau khi được Tần Hiếu Công phong cho đất Thương, thì mới lấy Thương để làm họ.

Công Tôn Ưởng cảm thấy nước Vệ quá nhỏ để khai triển tài năng, nên ông đã đến nước Ngụy, nương nhờ Công Thúc Tọa. Khi đó Công Thúc Tọa đang là Tướng quốc của Ngụy Huệ Văn vương.

Công Thúc Tọa cho Vệ Ưởng làm chức ‘trung thứ tử’ – là người phụ trách việc giáo dục con cái cho các quan. Công Thúc Tọa tiếp xúc nhiều với Vệ Ưởng, và ông đánh giá Vệ Ưởng là một người rất có năng lực.

Sau này, Công Thúc Tọa mắc trọng bệnh, Ngụy Huệ Văn vương đích thân đến thăm, nước mắt chảy dài và nói rằng:

“Nếu ngày kia khanh mắc bệnh không qua được, ta có thể giao chính trị quốc gia cho ai đây?”.

Công Thúc Tọa trả lời: “Thần có một người dạy học cho các con, tên là Vệ Ưởng, tuy người ấy trẻ tuổi nhưng rất có thực tài. Thần hy vọng, ngài có thể đem toàn bộ chính trị nước Ngụy giao phó cho cậu ta”.

Khi đó, Ngụy Huệ Văn vương không nói gì. Công Thúc Tọa lại nói thêm: “Nếu ngài không thể dùng cậu ta thì hãy giết cậu ta”.

Khi rời khỏi nhà Công Thúc Tọa, Ngụy Huệ Văn vương liền thầm nghĩ: “Thừa tướng bệnh đến mức hồ đồ, đầu tiên bảo ta đem toàn bộ chính trị quốc gia giao phó cho một người trẻ tuổi, mà hắn chưa có tiếng tăm gì, sau đó lại nói, nếu không dùng thì hãy giết cậu ta. Lý luận của ông ấy có vấn đề rồi”. 

Sau khi Ngụy Huệ Văn vương rời đi, Công Thúc Tọa cho gọi Vệ Ưởng lại rồi nói: “Vừa rồi ta tiến cử cậu với quốc vương, nhưng nếu không dùng cậu thì ta bảo ngài ấy hãy giết cậu đi. Ta khuyên cậu hãy rời khỏi nơi đây”.

Sau khi nghe xong, Vệ Ưởng trả lời: “Nếu quân vương không nghe lời ngài mà dùng tôi, thì ông ấy cũng sẽ không nghe lời ngài mà giết tôi”.

Câu nói này cho thấy Vệ Ưởng là người có lý trí, và tư duy cũng rất chặt chẽ, vì ông biết Nguỵ vương sẽ không dùng người không có tiếng tăm như ông, với tiền đề như vậy, Vệ Ưởng đoán rằng Nguỵ vương sẽ không giết ông. 

Rốt cuộc, Ngụy Huệ Văn vương đã không nghe lời của Công Thúc Tọa. Một thời gian sau, Công Thúc Tọa bệnh nặng mà mất. Sau đó, lại có Công tử Ngang tiến cử Vệ Ưởng, nhưng Nguỵ vương vẫn không dùng. 

Thương Ưởng phiêu bạt đến nước Tần

Vệ Ưởng biết rằng ở Ngụy sẽ không có cơ hội xây dựng sự nghiệp, thế là ông quyết định đến Tần. Khi đó Tần chỉ là một quốc gia nhỏ yếu ở vùng phía Tây. Tần Vương còn đang khổ não vì quốc gia của mình đang dần suy yếu, nên đã treo bảng cầu hiền, bố cáo thiên hạ, rằng ai có thể giúp Tần giàu mạnh, sẽ được trọng thưởng.

Vệ Ưởng đến nhờ Cảnh Giám – là một hoạn quan được Tần Hiếu Công sủng ái và tin tưởng, ông thỉnh cầu Cảnh Giám tiến cử với Tần Hiếu Công. Tần Hiếu công và Vệ Ưởng đã nói chuyện với nhau 3 lần.

Hai lần đầu, Vệ Ưởng nói thao thao bất tuyệt, nhưng phản ứng của Tần Hiếu Công lại là ngủ gà ngủ gật. Bởi vì lần đầu Vệ Ưởng nói về cái đạo của bậc Đại Đế như Nghiêu Thuấn, lần thứ hai nói về làm Vương như Thành Thang, Chu Vũ. 

Sau hai lần ấy, Vệ Ưởng nhận định rằng Tần Hiếu Công không thể chờ mấy chục năm, mấy trăm năm tích đức, để kiến lập đạo Đế Vương, cho nên lần thứ ba ông giảng về đạo xưng Bá. Phản ứng của Tần Hiếu Công như thế nào? Trong Sử ký chép rằng: “Nghe Vệ Ưởng nói, không ngừng kéo chiếu ngồi gần đến chỗ Vệ Ưởng, nghe mấy ngày cũng không thấy chán”. 

Vệ Ưởng đã bàn luận gì với Tần Hiếu Công? Trong Đông Chu liệt quốc chí đã đưa ra tổng kết rất rõ ràng cách làm của Vệ Ưởng như sau: “Muốn nước giàu, chi bằng khuyến khích nông dân tăng gia làm ruộng. Muốn binh mạnh, chi bằng cổ vũ bách tính nguyện ý chiến đấu, dám đánh trận, dám giết người. Trọng thưởng để dụ dỗ, dân biết làm tốt sẽ có thưởng lớn, từ đó mà cố gắng. Lấy hình phạt nặng để răn đe uy hiếp, dân biết làm sai sẽ bị phạt, từ đó kính sợ luật pháp”.

Học vấn cả đời của Vệ Ưởng chỉ gói gọn vào hai chữ này, đó là ‘canh tác’ và ‘chiến đấu’. Làm thế nào để thực hiện nông nghiệp và chiến đấu? Chính là dựa vào trọng thưởng để dụ dỗ, trừng phạt để uy hiếp. 

Đây là những phác thảo sơ khởi về tư tưởng của Pháp gia. Vệ Ưởng sẽ làm gì để thực hiện kế hoạch này, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Thương Ưởng biến pháp. 

Chuyên đề: Pháp gia mạn đàm

Đọc thêm:

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x