Vì cải cách đã đụng chạm đến vấn đề phân phối lợi ích và của cải trong xã hội, nên Thương Ưởng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới quý tộc, nhưng ông đã xuất sắc vượt qua, bằng việc sử dụng chiêu thuật mà những nhân vật Pháp gia rất thành thạo, đó chính là: đánh tráo nội hàm.

Đánh tráo nội hàm chữ ‘Lễ’

Thương Ưởng đã có một cuộc biện luận với các đại thần trong triều, ông nói: “Trị quốc không nhất định đi theo một con đường, nếu có lợi cho nước thì không cần tuân theo. Năm xưa Thành Thang, Chu Vũ không tuân theo lễ nghi xưa cũ mà được làm vương; còn vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương – Ân vì không thay đổi lễ nghi nên mới vong quốc. Do đó không thể quở trách người thay đổi lễ nghi, cũng không thể tán thưởng người tuân theo lễ nghi xưa cũ”. Tần Hiếu Công nghe thấy có đạo lý nên quyết định làm theo cách Thương Ưởng đề xuất.

Vệ Ưởng đã đánh tráo khái niệm ‘Lễ’ này. ‘Lễ’ của ba triều Hạ, Thương, Chu xác thực là khác nhau. ‘Lễ’ chỉ là một dạng hình thức bên ngoài, còn nội hàm đạo đức bên trong là bất biến. Thuận theo sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội mà biểu hiện của ‘lễ’ có chỗ khác nhau, nhưng nội hàm không thay đổi. 

Vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương – Ân không thay đổi lễ nghi thời họ cai trị, nhưng vì đạo đức của 2 vị vua này bại hoại nên mới khiến đất nước diệt vong. Do đó Thương Ưởng đã nắm chắc bề ngoài của ‘lễ’ mà bỏ đi nội hàm thực chất của đạo đức. Thương Ưởng đã đánh tráo khái niệm này để thuyết phục Tần Hiếu Công. Sau này Hàn Phi Tử cũng đánh tráo một số khái niệm để hợp thức hoá tư tưởng Pháp gia.

‘Chuyển cây lập tín’: Tạo dựng tên tuổi

Sau khi biện luận, Thương Ưởng không lập tức cải cách mà làm việc này: chuyển cây lập tín (1).

Thời ấy đô thành của nước Tần chưa phải ở Hàm Dương mà là ở Ung. Phía cổng nam Thương Ưởng đặt một trụ gỗ, sau đó dán cáo thị nói rằng, nếu ai chuyển cột gỗ này từ cổng nam đến cổng bắc, ông sẽ thưởng 10 cân (5kg) vàng. ‘Vàng’ thời đó là đồng. Trong ‘Hán thư – Thực hóa chí’ ước lượng rằng số tiền 10 cân vàng đủ để nuôi 5 người của một gia đình trong vài năm, chính là con số lớn như thế. Đô thành thời xưa rất nhỏ, Mạnh Tử từng nói: “Tam lý chi thành, thất lý chi quách” nghĩa là chu vi thành tầm 3 dặm (1,5km) còn chu vi quách tầm 7 dặm (3,5km), cho nên từ cổng này sang cổng đối diện chỉ là khoảng cách vài trăm mét.

Vác cột gỗ vài trăm mét mà được thưởng 10 cân vàng quả thật khó tin. Người dân thấy vậy nhưng chưa có ai hành động, Thương Ưởng bèn nâng thưởng lên thành 50 cân vàng, mọi người càng cảm thấy kỳ quái hơn nữa.

Cuối cùng vẫn có một người vác cột gỗ từ cổng nam đến cổng bắc sau đó được Thương Ưởng thưởng 50 cân vàng kèm theo lời nhắn: “Anh quả thật là người tốt, là công dân tốt”. Tin tức lập tức lan truyền khắp nước Tần, người ta đã biết cái tên Thương Ưởng. 

Thông qua ‘chuyển cây lập tín’, Thương Ưởng muốn truyền đi hai thông điệp. Thứ nhất để người dân nước Tần biết mình là ai vì thời ấy không có truyền thông mà chỉ là người truyền người, cho nên câu chuyện càng kỳ quái thì lan truyền càng nhanh. Thông điệp thứ hai ẩn ở đằng sau, chính là ông muốn ám chỉ: người dân các ngươi chỉ cần chấp hành vô điều kiện thì mới được thưởng.

Cải cách lần thứ nhất

Sau đó Thương Ưởng mới bắt đầu cải cách. Lần thứ nhất, Thương Ưởng thay đổi kết cấu xã hội. Ông phân 5 nhà thành một ‘ngũ’ – 伍, 10 nhà thành một ‘thập’ – 什, ‘ngũ’ và ‘thập’ là đơn vị đếm dân thời đó. Tiếp đến ông để người dân giám sát lẫn và tố cáo lẫn nhau: Nếu một nhà nào đó phạm tội mà nhà khác không tố giác, thì bị coi là đồng phạm và phải chịu chém ngang lưng; còn nếu tố giác sẽ tương đương với chém được đầu quân địch và được thăng lên một tước. 

Việc tố giác hàng xóm thậm chí bán đứng người thân trong gia đình để được tước vị là điều bị xem thường, nhưng Thương Ưởng lại khuyến khích người dân làm việc đó. Đây là mầm mống/tiền thân của Hồng vệ binh thời CMVH – những con ốc vít chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng.

Ông quy định thêm, nếu nhà có 2 con trai thì phải tách hộ tịch, nếu không sẽ phải nộp thuế gấp đôi. Ông khuyến khích tách hộ tịch để người dân khai khẩn đất đai.

Ngoài khuyến khích ‘canh’ (sản xuất nông nghiệp) ông còn khuyến khích ‘chiến’ (lập công trên chiến trường. Ông nói: “Nếu lập chiến công, sẽ được thăng tước; còn nếu đánh nhau vì lợi cá nhân, thì tuỳ theo nặng nhẹ mà trừng phạt… Tôn thất quý tộc nếu không lập công trên chiến trường thì sẽ mất đi tước vị… Căn cứ theo công lao mà thưởng nhà. Nếu công lao lớn có thể đi xe ngựa, ở nhà lớn, mặc đồ đẹp, có thể lập thêm thê thiếp. Nhưng nếu không có chiến công, phải sống tằn tiện, mặc vải bố, đi xe bò”.

Thông thường khi bách tính thiện lương thì xã hội an định, chi phí quản lý trị an sẽ nhỏ, nhưng Thương Ưởng không muốn như vậy. Bởi ông cho rằng nếu mọi người đều là người tốt, mọi người sẽ rất đoàn kết thành một lực lượng lớn trong dân chúng, như thế có thể đối kháng với chính phủ. Vậy nên Thương Ưởng muốn mọi người đều biến thành xấu, mọi người nghi ngờ lẫn nhau, không có cảm giác an toàn, như thế người ta chỉ có thể dựa vào quyền lực của chính phủ. Do đó Thương Ưởng mới nói rằng: “Dùng thiện lương thì dân thân với dân, dùng gian ác thì dân thân với… chế độ”.

Thương Ưởng cải cách được 1 năm, có rất nhiều người phàn nàn nói rằng luật lệ này không tốt, lại có một số người nói ngược lại rằng luật này rất tốt.

Thương Ưởng gọi những người nói tốt là ‘dân nịnh bợ’; còn những người nói không tốt là ‘dân ương ngạnh’, ‘ương ngạnh’ nghĩa là ngăn cản/ngăn trở pháp lệnh. Dù là ‘dân nịnh nọt’ hay ‘dân ương ngạnh’, Thương Ưởng cho rằng họ không phải là công dân tốt. Ông đem cả ‘dân nịnh bợ’ và ‘dân ương ngạnh’ đi đày ở biên ải. 

Qua việc này Thương Ưởng muốn truyền đi thông điệp: Chính sách này là ta quyết định, các người chỉ cần đi thực hiện chứ không cần nói nó là tốt hay xấu. Điều này tương đương với việc Thương Ưởng tước đoạt quyền tự do ngôn luận và năng lực suy nghĩ độc lập của người dân. 

Sau này Thương Ưởng còn ‘giết người lập uy’. Thương Ưởng từng sai thuộc hạ hành hình tù nhân ở Vị thuỷ (sông Vị), có một ngày hành hình hơn 700 người, nước sông Vị đỏ máu, tiếng khóc oán thán khắp nơi. Trong ‘Tư trị thông giám’ viết rằng: “Ban đầu Thương quân là tướng quốc nước Tần, dùng pháp luật nghiêm khắc tàn khốc, từng giết tù nhân ven bờ sông Vị, nước sông đổi thành màu đỏ”. Đây giống như việc ĐCSTQ chế tạo khủng bố để người dân biết sợ mà phục tùng mệnh lệnh. 

Cải cách lần thứ hai

Trước tiên ông dời đô thành nước Tần về Hàm Dương, tiếp đến ông ban hành chính sách không cho cha – con, huynh – đệ ở cùng một nhà. Cải cách lần đầu nói rằng, nếu cha có 2 con trai thì phải tách hộ tịch, còn lần này giữa cha con cũng phải tách ra. Sau đó ông thống nhất đơn các đơn vị đo (2), phế bỏ phân phong, thiết lập quận huyện, đốt sách…

Cải cách Thương Ưởng khiến nước Tần càng ngày càng mạnh. Sau đó ông dùng mưu lừa để đoạt vùng Tây Hà của nước Nguỵ. Lấy được vùng đất chiến lược quan trọng, Tần Hiếu Công phong thưởng cho ông vùng đất Thương Ư. ‘Thương’ trong Thương Ưởng là lấy đất phong làm họ.

Thương Ưởng cải cách gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới quý tộc, trong đó có Thái tử. 

Trong cải cách lần thứ nhất, nếu tính bàn luận về pháp luật thì bị đày đi biên ải, vậy thì đối với Thái tử như thế nào? Trong ‘Tư trị thông giám’ ghi lại rằng: “…Thế là Thái tử phạm pháp, Vệ Ưởng nói: ‘Pháp không thi hành với người cấp trên. Thái tử sẽ là người kế vị trong tương lai nên không thể thi hành hình phạt. Thay vào đó sẽ cắt mũi quan thái phó là Công tử Kiền và thích chữ lên mặt quan Thái sư là Công Tôn Giả’”. Cả Quan Thái phó và quan Thái sư đều là thầy dạy học của Thái tử, cho nên Thái tử hận Thương Ưởng đến tận xương tuỷ. 

Chỉ 5 tháng sau khi đoạt Tây Hà, Tần Hiếu Công băng hà, Thái tử Doanh Tứ kế vị lấy hiệu Tần Huệ Văn Công. Tần vương thống hận Thương Ưởng vì đã cắt mũi, thích chữ mỗi người thầy của mình. Nhân có người báo Thương Ưởng tạo phản với lý do rằng: ‘Người ta chỉ nghe nói pháp luật Thương Ưởng chứ chưa hề nghe qua pháp luật nước Tần, hơn nữa Thương Ưởng là người rất giỏi, nhỡ đâu ông ta tạo phản thì phải làm sao’, Tần Huệ Văn Công phái người đi bắt Thương Ưởng. 

Thương Ưởng thay đồ thường dân rồi bỏ chạy, đến đêm ông tính trú ở quán trọ nhưng chủ quán nói: “Pháp của Thương quân, không có giấy chứng nhận thân phận thì không được ở”. Thương Ưởng ngửa mặt thở dài: “Pháp ta định đã hại ta rồi”.

Sau đó Thương Ưởng chạy tiếp sang nước Ngụy (Ngụy giáp Tần). Quốc vương nước Ngụy nghe nói Thương Ưởng đến bèn phái người truy bắt, bởi vì Thương Ưởng đã dùng mưu lừa chiếm đoạt vùng đất Tây Hà của nước Nguỵ. 

Thương Ưởng không còn cách nào khác, đành chạy về đất phong là Thương Ư, tính tập hợp binh mã tạo phản. Nhưng lúc đó Công Tôn Giả đuổi theo bắt được ông và áp giải về đô thành. Tần Huệ Văn Công liệt kê tội trạng của Thương Ưởng sau đó đưa ông ra ngoại thành để… ngũ mã phanh thây.

Ba đại diện của Pháp gia đều không có kết cục tốt đẹp. Thương Ưởng bị như vậy, Hàn Phi Tử bị người bạn học Lý Tư đầu độc, còn Lý Tư thì bị Triệu Cao hãm hại cuối cùng bị chém ngang lưng. 

Như đã nói ở phần trước, Thương Ưởng là người đặt nền móng cho Pháp gia, còn Hàn Phi Tử là người hệ thống hoá tư tưởng của pháp gia. Bộ lý luận của Hàn Phi Tử còn vô lý và cực đoan hơn Thương Ưởng rất nhiều, từ đầu đến đuôi là vô Thần luận…

Rốt cuộc Hàn Phi Tử là người như thế nào và tư tưởng của ông cực đoan đến đâu, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Chuyên đề: Pháp gia mạn đàm

Đọc thêm:

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x