Như đã nói ở phần trước, Thương Ưởng đã đánh tráo khái niệm chữ Lễ để thuyết phục Tần Hiếu Công thực hành cải cách, còn Hàn Phi Tử đã viết câu chuyện để hợp thức hoá tư tưởng Pháp gia đó là: Ôm cây đợi thỏ…

Nếu Thương Ưởng là người đặt những viên gạch đầu tiên cho tư tưởng Pháp gia, thì Hàn Phi Tử là người đem những tư tưởng của Pháp gia biên soạn lại một cách có hệ thống. Hàn Phi Tử đã dùng cách đánh tráo khái niệm để hợp thức hoá tư tưởng Pháp gia. 

Đôi nét về Hàn Phi Tử

Hàn Phi Tử có xuất thân cao quý, ông là huynh đệ với Hàn vương lúc bấy giờ. Hàn Phi Tử dễ nhìn nhưng ông lại có tật nói lắp. Tài ăn nói (khẩu tài) ở thời Chiến Quốc là vô cùng quan trọng khi biện luận, Hàn Phi Tử không giỏi biện luận nhưng bù lại ông rất giỏi biên soạn và đã viết rất nhiều sách.

Trong ‘Sử ký – Hàn Phi Tử liệt truyện’ chép rằng: “Phi là người có tật nói lắp, không thể nói lưu loát, nhưng giỏi đọc sách học tập”. Do đó ông viết rất nhiều sách như là ‘Thuyết nan’, ‘Cô phẫn’, ‘Ngũ đố’… Những cuốn sách này đã truyền đến nước Tần.

Tần Thuỷ Hoàng khi ấy rất bội phục tài năng của Hàn Phi Tử nên Tần vương mong muốn kết bằng hữu với công tử nước Hàn này. 

Lý Tư nói Hàn Phi Tử là bạn học của ông cho nên có thể mời Hàn Phi Tử đến, sau đó Hàn Phi Tử đến nước Tần một thời gian.

Tần vương muốn Hàn Phi Tử làm quan nhưng Lý Tư lại nói xấu ông rằng: “Hàn Phi Tử là công tử nước Hàn, dù thế nào thì nước Hàn vẫn là mẫu quốc, cho nên nếu Hàn Phi Tử làm quan ở Tần thì ông nghĩ đến lợi ích nước Hàn trước tiên chứ không phải nước Tần”. Tần vương nói: “Vậy để Hàn Phi Tử về nước là xong”.

Lý Tư nói thêm: “Hàn Phi Tử đã ở Tần một thời gian lâu như vậy cho nên đã thu thập được rất nhiều thông tin tình báo. Nếu để ông ta về nước e rằng sẽ bất lợi cho nước Tần”. Thế là Tần vương giam Hàn Phi Tử vào ngục. Kết cục của Hàn Phi Tử rất thảm. Trong ‘Sử ký’ viết rằng: “Lý Tư đưa cho Hàn Phi Tử thuốc, Hàn Phi Tử uống xong trúng độc chết”.

‘Ôm cây đợi thỏ’ tạo tiền đề hợp thức hoá tư tưởng Pháp gia

Chúng ta biết rằng xã hội phương đông là xã hội nông nghiệp, khi xảy ra sự việc gì người ta có xu hướng đối chiếu để tìm đáp án trong lịch sử. Ví như gặp hạn hán, vậy thì tra hạn hán xảy ra trước đây và cách giải quyết như thế nào; năm nay bị nạn châu chấu, vậy thì tra lịch sử năm nào có nạn châu chấu và cách giải quyết… Xã hội nông nghiệp chính là dựa vào kinh nghiệm tích luỹ trong quá khứ để giải quyết vấn đề hiện tại. 

Thời ‘trăm nhà đua tiếng’ (bách gia tranh minh), Chư Tử hầu như đều tìm đáp án trong quá khứ, nói như hiện tại gặp phải rất nhiều vấn đề đau đầu, thì tìm xem trong quá khứ có ai từng giải quyết vấn đề đó. Chúng ta sẽ thấy rằng Nho gia của Khổng Tử tôn sùng Chu Công. Mặc Tử tìm những kinh nghiệm thời đại trước cả Chu Công, đó là thời Đại Vũ nhà Hạ. Mạnh Tử còn tìm kinh nghiệm ở trước nhà Hạ, đó là thời Nghiêu Thuấn. Đạo gia tìm ở thời Tam Hoàng (1). Những điều này gọi là ‘Pháp Tiên Vương’ – tuân theo Tiên Vương. 

Nhưng Pháp gia lại không nghĩ như vậy. Pháp gia cho rằng những vấn đề chúng ta đang đối diện là mới hoàn toàn, cho nên phải tìm cách mới để giải quyết, và Pháp gia gọi đó là ‘Pháp Hậu Vương’. Như đã nói ở phần trước, Thương Ưởng đã đánh tráo khái niệm chữ Lễ để thuyết phục Tần Hiếu Công thực hành cải cách, còn Hàn Phi Tử đã viết câu chuyện để hợp thức hoá tư tưởng Pháp gia đó là: Ôm cây đợi thỏ (Thủ chu đãi thố – 守株待兔).

Chuyện kể rằng ở nước Tống có một nông dân đang trồng trọt, đột nhiên có một con thỏ chạy đến đâm đầu vào gốc cây rồi chết. Người nông dân cho rằng thỏ đã đâm đầu vào cây thì mình không cần làm ruộng nữa, chỉ cần hàng ngày đợi thỏ, chẳng phải là có đồ ăn rồi sao. Như thế người nông dân đã để ruộng đồng hoang vu. 

Hàn Phi Tử muốn truyền đi thông điệp, nếu cứ ôm giữ pháp luật quá khứ mà không đổi, thì sẽ giống như người nông dân nước Tống ‘ôm cây đợi thỏ’, cho nên pháp luật phải thay đổi để phục vụ cho mục đích ‘nước giàu binh mạnh’, ‘phế bỏ phân phong, thiết lập quận huyện’…


Ở đây mọi người sẽ thấy Hàn Phi Tử đã đánh tráo khái niệm. Ông lấy câu chuyện ‘ôm cây đợi thỏ’ thuộc về… xác suất toán học đem so sánh với kinh nghiệm/ghi chép trong lịch sử để hợp thức hoá tư tưởng Pháp gia.

‘Tính ác luận’ là cơ sở triết học của Pháp gia 

Cơ sở triết học của Pháp gia được khái quát bằng 3 chữ: ‘Tính ác luận’. Trong thời kỳ Chiến Quốc có nhiều gia phái tranh luận về nhân tính là thiện hay ác. 

Nhân tính thiện hay nhân tính ác, nó thuộc về vấn đề triết học; nhưng thời ấy, nó là một vấn đề chính trị hết sức rõ ràng bởi vì nó liên quan đến việc cai trị dân chúng trong quốc gia đó như thế nào. Nếu nhân tính thiện thì có một bộ phương pháp tương ứng, còn nếu nhân tính ác thì có một bộ phương thức cai trị khác.

Mạnh Tử cho rằng ‘nhân chi sơ, tính bản thiện’,  Tuân Tử thì cho rằng ‘nhân chi sơ, tính bản ác’. Nếu nhân tính là toàn thiện, vậy thì cái ác trên thế giới từ đâu đến? Nếu nhân tính là toàn ác, thế thì làm thế nào để con người hướng thiện? Cho nên nói rằng trong nhân tính có tồn tại cả thiện và ác thì chính xác và toàn diện hơn. 

Đối với việc thiên tính con người là ác, lại phái sinh ra 2 cách thức giải quyết vấn đề. Cách thứ nhất là, nếu nhân tính ác, vậy thì chúng ta dùng ‘Lễ’ để chỉ dẫn họ làm người tốt; tức là dùng thiện để dẫn dắt. Đây là cách thứ nhất. 


Còn có một cách nữa, nếu nhân tính ác, người ta sẽ dùng ‘Hình’ (hình phạt nghiêm khắc) để trừng trị họ, đây gọi là ‘lấy ác trị ác’. Pháp gia cho rằng nhân tính là ác, phải dùng ác trị ác. 

Do đó Pháp gia không thừa nhận đạo đức, cho rằng xưa nay làm gì có vua nhân nghĩa, thần trung thành, cha hiền từ, con hiếu thuận… con người căn bản không có đạo đức. Do đó, nếu người nào có biểu hiện thiện, biểu hiện tốt thì Pháp gia cho rằng họ chỉ đóng giả mà thôi. Pháp gia coi mối quan hệ giữa quân – thần với nhau là quan hệ ‘người đi thuê – kẻ làm mướn’, quân vương trả tiền, đại thần bỏ sức, cũng tương đương với việc trao đổi ngang bằng. 

Giữa quân thần là quan hệ người đi thuê – kẻ làm mướn, thế thì quan hệ giữa quân vương và nhân dân là gì? Là quan hệ đối địch. Nếu bách tính phạm thượng làm loạn, nhất định phải dùng hình phạt để trừng trị nghiêm khắc, đây là lý luận của Pháp gia. Cho nên trong ‘Thương quân thư’ viết rằng: “Hình phạt không phân biệt đẳng cấp, từ Khanh tướng Đại phu đến bàn dân trăm họ; hễ không tuân vương lệnh, phạm điều cấm, làm loạn chế độ thì tội chết không tha”.

Còn Hàn Phi Tử từng giảng: nhất định dùng bạo lực để áp bức và bóc lột người dân, biến dân thành trâu ngựa để cày kéo, không cho họ có tự do tư tưởng, không cho họ tự do ngôn luận, cũng không cho họ hành động. Hàn Phi Tử nói: “Cấm phạm pháp. Thứ nhất là cấm tự do tư tưởng. Tiếp đến là cấm nói. Tiếp nữa là không cho làm”. Mọi người sẽ thấy những điều Hàn Phi Tử nói thoạt nghe có vẻ hơi giống với Thiền tông giảng Thân – Khẩu – Ý. Tu Thân là không làm việc xấu, tu Khẩu là không nói, còn tu Ý thì không nghĩ. Nhưng Hàn Phi Tử lại cấm cả Thân – Khẩu – Ý, cho nên bộ tư tưởng của Pháp gia được xem là tà. 

Hàn Phi Tử đại biểu cho chủ nghĩa phản trí, tức là phản đối trí lực con người. Ông muốn cắt đứt triệt để việc giáo dục đạo đức và tích lũy văn hóa. Ông chủ trương đốt sách, đem toàn bộ sách trong quá khứ đốt hết. Ông nói: “Minh chủ trị nước, không cần sách giảng đạo nghĩa, chỉ lấy việc học tập pháp luật là được rồi; nếu không có lời khuyên từ những vị vua trước, thì hãy đến chỗ quan lại hiểu pháp luật mà học tập”.

‘Ác pháp’ – phương diện đầu tiên của Pháp gia

Vì Pháp gia chủ trương ‘lấy ác trị ác’ nên pháp luật họ đặt ra cũng vô cùng hà khắc và phản nhân tính. Khi Thương Ưởng cải cách, ông khuyến khích người dân tố giác lẫn nhau, nếu không tố giác thì người hàng xóm tương đương với phạm tội và bị chém ngang lưng. Mà xưa nay việc tố giác người khác để được lợi luôn bị xem thường…

Để khuyến khích người dân lập công trên chiến trường, ông khuyến khích rằng chém được đầu quân địch được thăng tước vị, cho nên rất nhiều người thời đó gọi nước Tần là ‘quân đội hổ lang’ (hổ lang chi sư). Ông đã đem việc giết người trở thành mục tiêu để truy cầu lợi ích. 

Vậy nên nói pháp luật mà Pháp gia giảng không phải pháp luật với ý nghĩa bây giờ của chúng ta, mà là ‘ác pháp’ (pháp luật tàn ác hà khắc).

Xã hội hiện đại khi chế định pháp luật có một nguyên tắc, nguyên tắc này đều viết trong Hiến pháp của các nước. Mà nguyên tắc chế định Hiến pháp lại xuất phát từ hệ thống tín ngưỡng hoặc hệ thống đạo đức. Theo nghiên cứu của các pháp luật gia phương tây, pháp luật của phương tây có quan hệ với 10 điều răn của Thượng Đế cho Moses ở núi Sinai.

Trong 10 điều răn, có nói không được sát sinh, từ đó phái sinh ra một bộ hệ thống hình pháp. Từ không được gian dâm, phái sinh ra một bộ hệ thống về hôn nhân. Từ không tham luyến tài vật của người khác, phái sinh ra một bộ hệ thống về luật tài sản. Toàn thể hệ thống pháp luật ở phương tây đến từ 10 điều răn của Thượng Đế cho Moses, đây là quan điểm của pháp luật gia phương tây. 

Pháp luật của Trung Quốc, trong quá khứ gọi là ‘Xuân Thu quyết ngục’, chính là chiểu theo kinh điển của Nho gia, dựa theo tiêu chuẩn đạo đức kiến lập từ thời Xuân Thu mà xét xử vụ án, mục đích cuối cùng của pháp luật là duy trì ‘Công bình’ và ‘Chính nghĩa’ trong xã hội. 

Pháp gia chế định pháp luật, mục đích của họ không phải vì công bình và chính nghĩa của xã hội, mà là pháp luật chống lại công bình và chính nghĩa, gọi đây là ‘ác pháp’. Chiểu theo pháp luật học ngày nay mà giảng, ‘ác pháp’ không phải là pháp luật. Là một công dân, một người có lý tính và đạo đức, bạn không cần có nghĩa vụ phải tuân theo ác pháp, mà còn phải phế trừ loại pháp luật như vậy. Phương tây gọi đây là Quyền kháng lệnh/không phục tùng của công dân –  Civil disobedience.

Ở Mỹ có một người tên là Martin Luther King, khi đó ông dẫn dắt cuộc vận động nhân quyền để trừ bỏ ‘Luật phân biệt chủng tộc’. Khi ấy, nguyên nhân của cuộc vận động nhân quyền là: ‘Luật phân biệt chủng tộc’ là luật nhưng nó là ‘ác pháp’. 

Nếu vi phạm tiêu chuẩn đúng – sai, thiện – ác thì pháp luật đó không phải là pháp luật mà là ‘ác pháp’. Pháp luật rời xa công bình và chính nghĩa, thì với trách nhiệm là một người công dân, bạn không những không có nghĩa vụ phải tuân thủ mà còn có nghĩa vụ kháng nghị, phế bỏ ‘ác pháp’ đó đi. Cuộc vận động nhân quyền khi ấy là một cuộc vận động phi bạo lực, không hợp tác, kết quả đã phế bỏ được ‘Luật phân biệt chủng tộc. 

***

Pháp gia giảng 3 phương diện là: Pháp – 法, Thuật – 術 và Thế – 勢. Pháp là ‘ác pháp’, còn Thuật và Thế là gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Chuyên đề: Pháp gia mạn đàm

Đọc thêm:

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x