Chúng ta sẽ thấy một điều khá âm hiểm của Pháp gia, đó là họ đánh vào chấp trước, dục vọng để khống chế con người…
Pháp gia giảng 3 phương diện là: Pháp – 法, Thuật – 術 và Thế – 勢. Pháp là ‘ác pháp’, còn Thuật và Thế là gì?
Thuật là ‘âm mưu’
Trong ‘Hàn Phi Tử’ viết rằng: “Pháp là biên soạn sách vở, đặt trong phủ quan, dành cho bách tính. Thuật là cất giấu trong lòng, tư tưởng ẩn trong quần thần. Do đó, Pháp để cho người thấy, còn Thuật không để người thấy”. Ý nghĩa là: Pháp luật phải công bố, để cho mọi người biết, có quy định 1 2 3 4; Thuật là ‘âm mưu’, mà âm mưu chỉ có thể để trong lòng; do đó ‘Pháp sáng Thuật tối’, ‘Pháp hiển Thuật tàng’ (Pháp hiển hiện, Thuật ẩn giấu). Vậy nên nói Thuật chính là ‘âm mưu’.
Pháp gia không liên quan đến học vấn pháp luật, mà là liên quan đến học vấn ‘âm mưu’.
Như chúng ta đã biết, trong chương đầu tiên Thiên Kế – sách Binh pháp Tôn Tử viết rằng: “Binh là cái đạo dối trá”, bởi vì dụng binh không được cho địch biết, dùng dối trá lừa gạt để mau chóng giành thắng lợi, đây gọi là ‘trá thuật’ (thuật dối trá) trong Binh gia.
Trong Đạo gia giảng: “Động binh là việc không lành, không phải khí độ của người quân tử, bất đắc dĩ mới dùng”, tức là chiến tranh bất đắc dĩ mới dùng đến, hơn nữa là xảy ra trong thời gian ngắn nên cho phép dùng âm mưu quỷ kế, đây là điều chính thường.
Nhưng Pháp gia lại biến ‘âm mưu’ thành trạng thái thường ngày trong cuộc sống, cho nên học thuyết của Pháp gia là phản đạo đức, phản nhân tính.
Có một điển cố nói về âm mưu trong ‘Chiến Quốc sách – Sở sách’ tên là ‘mỹ nhân không mũi’ (mỹ nhân vô tị).
Thời ấy Sở vương rất thích mỹ nữ tên Trịnh Tụ. Sau đó nước Nguỵ cống cho Sở vương một mỹ nữ vô cùng xinh đẹp. Khi mỹ nữ mới đến, Sở vương vô cùng mê đắm cô ta, có phần bỏ bê người đẹp cũ Trịnh Tụ.
Theo lý thông thường, khi mỹ nhân mới đến, Trịnh Tụ phải rất đố kỵ bởi vì người mới cướp đi sự sủng ái của mình, nhưng Trịnh Tụ lại không biểu hiện như vậy, cô đối xử rất tốt với mỹ nhân mới. Y phục cùng đồ trang sức, mỹ nhân mới thích thứ nào Trịnh Tụ lựa cho thứ đó; cung thất cùng giường nệm, mỹ nhân mới thích thế nào thì Trịnh Tụ trang bị cho thế ấy…
Khi đó Sở vương rất cảm động nói rằng: “Thông thường mà nói, khi mỹ nhân mới được sủng ái, thì người cũ sẽ rất đố kỵ, nhưng Trịnh Tụ nàng quá là tốt, không hề có chút đố kỵ nào”. Với biểu hiện như vậy, Trịnh Tụ đã làm Sở vương lơ là mất cảnh giác với mình.
Đến một ngày, Trịnh Tụ nói với mỹ nhân rằng: “Đại vương đặc biệt thích dung mạo của em, nhưng ngài lại không thích cái mũi của em, cảm thấy mũi của em không đẹp lắm, cho nên mỗi lần gặp đại vương em hãy che mũi đi nhé”. Kết quả mỹ nhân tin thật nên mỗi lần gặp Sở vương đều dùng tay che mũi.
Sở vương cảm thấy kỳ lạ, không biết mỹ nhân bị sao, cứ mỗi lần gặp mình là che mũi. Lúc này Trịnh Tụ mới len lén nói nhỏ: “Nó ghét mùi hôi trên người đại vương, cho nên nó mới che mũi lại”. Sở vương đại nộ, hạ lệnh cắt mũi mỹ nhân, đây là điển cố ‘mỹ nhân không mũi’. Chúng ta thấy rằng Trịnh Tụ là con người vô cùng giỏi ‘âm mưu’.
Trong sách ‘Hàn Phi Tử’, có rất nhiều những câu chuyện về quyền mưu, âm mưu, mưu chước… như vậy.
Thế là ‘độc tài’
Pháp là ‘ác pháp’, Thuật là ‘âm mưu’, vậy thì Thế là gì?
Thế trong Pháp gia chính là ‘độc tài’, tức là quân chủ nắm trong tay quyền lực khiến người ta kinh sợ và phục tùng. Thế được so sánh như là nanh và vuốt hổ. Một con hổ sở dĩ khiến người ta sợ là vì nó có nanh và vuốt nên có thể hại người. Vậy nên các nhân vật Pháp gia thường xuyên thể hiện quyền lực để khiến người khác kinh sợ. Khiến người dân sợ trên thực tế là ‘Thế’ mà Pháp gia đề cập đến.
Ở phần 2 có đề cập đến việc Thương Ưởng giết người thị uy, một ngày hành hình hơn 700 người, nước sông Vị đỏ máu, tiếng khóc oán thán khắp nơi. Sau này việc ĐCSTQ chế tạo khủng bố đỏ là có cùng mục đích với Pháp gia, chính là thiết lập uy quyền để người dân biết sợ mà phục tùng mệnh lệnh.
Dùng thế lực và uy quyền để cưỡng chế người khác phục tùng, cách làm này tuy có thể đạt được hiệu quả bề mặt, nhưng khó có thể cảm hoá tâm con người. Trong kinh điển giáo dục truyền thống ‘Đệ Tử Quy’ có đoạn: “Thế phục người, tâm không phục; Lý phục người, tâm mới phục”. Pháp gia dùng ‘Thế’ để khiến người khác phục tùng, nên người dân không tâm phục khẩu phục. Đây chính là mầm mống hoạ loạn sau này.
Pháp gia giảng 3 phương diện là Pháp, Thuật, Thế. Pháp là ‘ác pháp’, Thuật là ‘âm mưu’ còn Thế là ‘độc tài’. Toàn bộ hệ thống lý luận của Pháp gia tương đối tà ác. Sau này ĐCSTQ kế thừa và sử dụng tư tưởng và cách làm của Pháp gia còn cực đoan và tà ác hơn.
Cách thức Pháp gia khống chế xã hội
Trong ‘Đông Chu liệt quốc chí’ chép việc Thương Ưởng trình bày cải cách khiến ‘nước giàu binh mạnh’ với Tần Hiếu Công như sau: “….Trọng thưởng để dụ dỗ, dân biết làm tốt sẽ có thưởng lớn, từ đó mà cố gắng. Lấy hình phạt nặng để răn đe uy hiếp, dân biết làm sai sẽ bị phạt, từ đó kính sợ luật pháp”. Ở đây ta đã thấy Thương Ưởng đề cập đến 2 phương diện nhằm khống chế xã hội, đó là “trọng thưởng để dụ dỗ” và “hình phạt để răn đe”.
Hàn Phi Tử cũng cho rằng muốn khống chế xã hội cần 2 thứ, ông gọi đó là 2 ‘cán’ (cán trong cán dao). Hàn Phi Tử nói: “Minh chủ muốn dẫn dắt đại thần thì cần hai ‘cán’ mà thôi. Hai ‘cán’ đó là Hình – 刑và Đức – 德. Cái gọi là Hình – Đức được giải thích như sau: Tàn sát gọi là Hình, trọng thưởng gọi là Đức. Lấy cái họ sợ để trừng phạt, lấy cái họ thích để trọng thưởng. Vậy nên quân chủ dùng Hình Đức, thì quần thần vì sợ uy mà quy về lợi chứ không dám chống đối”.
Nói một cách đơn giản hơn, hai ‘cán’ mà Hàn Phi Tử nói đến đó là ‘cây gậy’ và ‘củ cà rốt’. ‘Cây gậy’ là dùng hình phạt hà khắc để làm người ta sợ, còn ‘củ cà rốt’ là dùng lợi ích để dụ dỗ người ta. Thông thường người ta lo lắng rằng bản thân sẽ chịu khổ, sợ khổ cho nên dùng cây gậy để hù doạ họ. Ngoài ra con người còn có tâm tham lợi, cho nên dùng lợi ích để dụ dỗ con người. Hàn Phi Tử nói nếu quân chủ nắm chắc 2 ‘cán’ này sẽ khống chế được quần thần và bách tính.
Chúng ta sẽ thấy một điều khá âm hiểm của Pháp gia, đó là họ đánh vào chấp trước, dục vọng để khống chế con người. Pháp gia mong muốn người ta trở thành người xấu, mà người càng xấu và dục vọng càng nhiều lại bị khống chế càng dễ dàng.
Có một câu chuyện, khi Tống Cao Tông hỏi Nhạc Phi thế nào là ‘thái bình’. Nhạc Phi mới đáp: “Văn thần không yêu tiền, võ thần không sợ chết, thiên hạ thái bình”. Nói cách khác, văn thần rất liêm khiết, võ tướng rất dũng cảm thì thiên hạ thái bình.
Nhưng trong đoạn lời trên, Hàn Phi Tử cho rằng Hoàng đế không thích những người như vậy (quan văn không tham tài, quan võ không sợ chết). Bởi vì nếu họ không yêu tiền tài và không sợ uy quyền, thì trọng thưởng họ sẽ không quan tâm vì họ không thích tiền, trừng phạt họ cũng không sợ vì họ không sợ chết. Với những văn thần võ tướng như vậy, ngay cả Hoàng đế cũng không có biện pháp gì khống chế họ.
Vậy nên Hàn Phi Tử nói: “Nếu bầy tôi như thế, không sợ hình phạt, không thích trọng thưởng, thì không thể lấy hình phạt ngăn cấm họ, cũng không thể dùng trọng thưởng để sai khiến họ, đây là bầy tôi không thể dùng”.
Mọi người sẽ thấy thêm điều này, Pháp gia rất ghét người có đạo đức, bởi vì một người có đạo đức, họ không tham tiền không sợ chết thì Pháp gia không có cách nào khống chế người ấy.
ĐCSTQ dùng tư tưởng của Pháp gia nên cũng không khó nhận ra vì sao chính quyền này bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công. Bởi vì Pháp Luân Công giảng vứt bỏ chấp trước thế gian, cho nên họ không tham tiền cũng không sợ chết, như thế ĐCSTQ vô cùng sợ hãi vì không khống chế được đoàn thể người tu luyện này.
Trong phần 2 loạt bài Nho gia mạn đàm có đề cập đến việc vì sao học viên Pháp Luân Công lại kiên trì giảng chân tướng (nói sự thật) về cuộc bức hại ở Đại lục và sự tà ác của ĐCSTQ, bởi vì họ cho rằng đó là việc Nghĩa tức là việc nên làm, còn thành công hay không là do ‘Thiên mệnh’, cho nên trong suốt hơn 20 năm ròng rã họ mới có sự kiên trì như vậy.
***
4 phần đầu tiên của loạt bài Pháp gia mạn đàm đã giới thiệu sơ lược về nhân vật, một số tư tưởng cũng như bộ logic của Pháp gia. Sau này ĐCSTQ kế thừa tư tưởng của Pháp gia và sử dụng nó cực đoan và tà ác hơn. Vậy thì những điểm giống và khác nhau giữa Pháp gia và ĐCSTQ là gì, kính mời quý độc giả đón xem những phần tiếp theo.