4 phần đầu tiên đã giới thiệu sơ lược về nhân vật, một số tư tưởng cũng như bộ logic của Pháp gia. Tại sao ĐCSTQ lại thích tư tưởng của Pháp gia đến như thế? Một phần nguyên nhân đến từ quá trình này: ‘bản địa hoá’. 

Quá trình ‘bản địa hoá’

Trong Chính luận thiên hạ đăng này 3/4, Giáo sư Chương Thiên Lượng có đề cập đến vấn đề này như sau: 

“Bất kỳ tôn giáo nào nếu muốn thiết lập chỗ đứng ở các dân tộc khác nhau đều phải làm một công việc chính là ‘bản địa hoá’. Trong cuốn ‘Trung Quốc triết học giản sử’, Phùng Hữu Lan đề cập đến 2 khái niệm, một là ‘Phật giáo Trung Quốc’, hai là ‘Phật giáo tại Trung Quốc’. 

Ông nói ‘Phật giáo tại Trung Quốc’ là Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc mà không trải qua bất kỳ quá trình ‘bản địa hoá’ nào. Điển hình nhất là Pháp Sư Huyền Trang đi Ấn Độ sau đó đem kinh về Trung Quốc, những gì ông làm là đưa Phật giáo Ấn Độ đến Trung Quốc mà không thực hiện bất cứ thay đổi nào. Cho nên chúng ta thấy ảnh hưởng của ‘Phật giáo tại Trung Quốc’ rất nhỏ. 

Còn ‘Phật giáo Trung Quốc’ là Phật giáo đã được ‘bản địa hoá’, nghĩa là Phật giáo truyền nhập đến Trung Quốc trải qua quá trình kết hợp với văn hoá bản địa Trung Quốc. Sau khi cải tạo, nó thích hợp với vòng tròn văn hoá của người Trung Quốc, như thế ảnh hưởng của nó ở Trung Quốc là rất lớn. Điển hình nhất là Thiền tông, bởi vì Thiền tông kết hợp với những điều của Đạo gia – vốn có lịch sử uyên nguyên ở mảnh đất Trung Hoa. 

Nhân nói về quá trình ‘bản địa hoá’ Phật giáo tôi lại nhớ đến ĐCSTQ. Chủ nghĩa Mác của ĐCSTQ chỉ là mượn cái tên của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác – Lênin của Trung Quốc đã được Mao Trạch Đông biến đổi, chính là một quá trình ‘bản địa hoá’ chủ nghĩa Mác – Lênin ở Trung Quốc. 

Chủ nghĩa Mác – Lênin ở các quốc gia khác rất khó tìm thấy điểm đặt/chỗ dựa để ‘bản địa hoá’. Ở các quốc gia khác nó chỉ dựa vào bạo lực để thi hành bộ hình thái ý thức ấy. Nếu không có bản địa hoá, thì nó không cách nào trở thành văn hoá của quốc gia đó, cho nên chỉ dựa vào bạo lực thì không thể duy trì lâu dài. Đó là lý do vì sao Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu rất nhanh bị giải thể. Dù là chính đảng của Liên Xô hay các nước Đông Âu, từ văn hoá bản địa của họ đều chê cười những thứ của đảng cộng sản.

Nhưng khi những thứ này truyền vào Trung Quốc, nó kết hợp với văn hoá Trung Quốc, nhưng loại văn hoá này không phải là văn hoá tốt. Những thứ của chủ nghĩa Mác – Lênin thật sự giống với những điều của Pháp gia. Chủ nghĩa Mác – Lênin là thông qua Pháp gia để thực hiện quá trình ‘bản địa hoá’. Do đó Mao Trạch Đông mới nói ông ta là sự kết hợp của Mác và Tần Thuỷ Hoàng. Những thứ của Mao Trạch Đông rất giống với Pháp gia, giảng những thứ như ác pháp, âm mưu v.v.”. 

Nói về quá trình ‘bản địa hoá’ chính là muốn chứng minh rằng tại sao ĐCSTQ lại thích Pháp gia đến thế, bởi vì giữa ĐCSTQ và Pháp gia thực sự rất giống nhau. Giống nhau ở mấy điểm sau đây. 

1. Ác pháp

Pháp luật mà ĐCSTQ và Pháp gia chế định đều là ác pháp, cũng chính là nó đi ngược với tiêu chuẩn thiện – ác thông thường.

Nếu Thương Ưởng cải cách khuyến khích người dân nước Tần giết người để thăng tước, thì ĐCSTQ cũng có một bộ ác pháp cho riêng mình. 

Còn nhớ vào năm 1999, khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp đoàn thể người tu luyện Pháp Luân Công với phương châm: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, huỷ hoại nhân thể”, ông ta còn đưa ra những ‘luật bất thành văn’ rằng: Đánh học viên Pháp Luân Công đến chết không tính là tội; nếu một học viên Pháp Luân Công bị đánh đến chết, sẽ được tính là tự sát. Nếu một người chặt cây trong rừng còn bị tính là lâm tặc, ở đây đánh chết người không tính là tội, hơn nữa lại đổ lỗi cho nạn nhân là tự sát… Những luật bất thành văn như thế ở Đại lục có rất nhiều.

Một điểm nữa, pháp luật chỉ trừng phạt hành vi của con người chứ không trừng phạt tư tưởng, nhưng trong pháp luật của ĐCSTQ, nó trừng phạt cả tư tưởng của con người. Nó cho rằng bạn phản đảng, bất mãn với chủ nghĩa xã hội, hoặc công kích lãnh tụ vĩ đại v.v. những điều này ĐCSTQ xem là phạm tội. Ngay cả khi bạn lỡ làm dính mực bức ảnh lãnh đạo, bạn có thể gặp nguy hiểm, thậm chí ‘bốc hơi khỏi thế gian’. Những điều này thực sự là ác pháp. 

Thêm vào đó ĐCSTQ cấm tự do ngôn luận, không cho tự do tư tưởng. Điều này thật giống với câu Hàn Phi Tử nói: “Cấm phạm pháp. Thứ nhất là cấm tự do tư tưởng. Tiếp đến là cấm nói. Tiếp nữa là không cho làm”.

2. Đánh tráo nội hàm chữ nghĩa, khái niệm

Trước khi thực hành cải cách, Thương Ưởng đã có cuộc biện luận với đại thần nước Tần, ông đã đánh tráo nội hàm chữ ‘Lễ’ để thuyết phục Tần Hiếu Công. Còn Hàn Phi Tử viết truyện ‘ôm cây đợi thỏ’ để đánh tráo khái niệm xác suất và ghi chép trong lịch sử, mở đường hợp thức hoá tư tưởng Pháp gia. Hai nhân vật của Pháp gia này rất giỏi việc đánh tráo khái niệm. 

ĐCSTQ cũng như vậy, nó nó một bộ ngôn ngữ để đánh tráo nội hàm. Ví như nói ‘giác ngộ’ vốn là một từ mang sắc thái văn hóa tu luyện, để chỉ con người thông qua tu luyện đạt được đại trí huệ và năng lực to lớn. ‘Phật’ trong tiếng Phạn vốn có nghĩa là người thông qua tu luyện mà giác ngộ. Ấy vậy mà ĐCSTQ đã liên hệ từ này với ‘giác ngộ’ lý tưởng cách mạng, nếu đảng tính áp đảo nhân tính thì chính là ‘giác ngộ cao’, nếu không thì là ‘giác ngộ kém’.

Ví như nói ‘viên mãn’, trong Phật giáo chỉ người này lên Thiên quốc, vĩnh viễn siêu xuất tam giới, phúc đức vô biên… là loại trạng thái như vậy. Đây là khái niệm viên mãn. ĐCSTQ dùng viên mãn biến thành Đại hội viên mãn thành công, mở hội viên mãn… ĐCSTQ đã biến đổi ý nghĩa của viên mãn rồi. 

Việc đánh tráo nội hàm chữ nghĩa rất nguy hiểm, bởi vì nó không cho người ta biết nghĩa thực sự của từ ấy, đọc những văn tự khác, người không lấy tư duy chính thường, mà lại lấy tư duy của ĐCSTQ để suy nghĩ. 

Đốt sách, tố cáo, làm bại hoại con người 

Thương Ưởng cải cách lần thứ hai có đốt sách, Hàn Phi Tử cũng chủ trương đốt sách. Còn ĐCSTQ trong CMVH khi ‘phá tứ cựu’ (1) cũng thi hành đốt sách.

ĐCSTQ và Pháp gia đều chủ trương để người dân tố giác và chịu tội liên đới. Chịu tội liên đới chính là nếu một cá nhân phạm tội, người khác không báo cáo thì người ấy cũng phải nhận trừng phạt. Tố giác chính là cổ vũ mọi người báo cáo với chính phủ. Đây là điểm rất giống nhau của ĐCSTQ và Pháp gia.

ĐCSTQ và Pháp gia đều muốn biến người dân thành người xấu. Trong ‘Thương quân thư’, Thương Ưởng nói: “Dùng thiện lương thì dân thân với dân, dùng gian ác thì dân thân với… chế độ”, cho nên Pháp gia muốn biến bách tính thành bần dân, gian dân, ngu dân. ĐCSTQ cũng cố ý làm bại hoại đạo đức con người.

Chúng ta biết rằng vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hễ đề cập đến ĐCSTQ hủ bại/tham nhũng thì mọi người rất phản cảm, bởi vì mọi người cho rằng làm người nên phải liêm khiết. Đảng viên tham ô hủ bại, mọi người hy vọng những người đó nhận phải trừng phạt thích đáng trước pháp luật. Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 xảy ra cũng là do người dân, học sinh, sinh viên yêu cầu chống hủ bại.

Nhưng trải qua 30 mấy năm đến nay thì sao? Người ta không những không thấy ‘phản cảm’ với tham nhũng/hủ bại mà còn thấy ‘hữu cảm’ với việc đó. Một số người còn cho rằng hủ bại, có bồ nhí, có thể tham nhũng… là một loại bản sự, là việc làm quang vinh. Người ta còn có cảm giác ngưỡng mộ xen lẫn đố kỵ với những người hủ bại đó, đồng thời cũng muốn mình hủ bại. Ở Trung Quốc hiện nay có câu “chê kẻ nghèo hèn chứ không chê phường kỹ nữ”, họ coi nghèo khổ là nỗi nhục chứ không phải chê bai phường kỹ nữ.

Bản thân việc ĐCSTQ tồn tại đã là ăn mòn đạo đức của nhân loại, vì nó khuyến khích con người bại hoại như thế, để ánh nhìn của người dân hướng đi chỗ khác, đừng để tâm vào chuyện của ĐCSTQ. 

Vậy nên sau khi đạo đức con người bại bại, người ta đã trở thành càng ngày càng ‘tê liệt’ đối với việc ĐCSTQ hành ác. Vốn dĩ việc hủ bại, ngoại tình, bồ nhí… là không thể chấp nhận, nhưng hiện nay người ta đã… dần quen với chuyện đó, thậm chí hy vọng mình có thể hủ bại một chút.

Vậy thì ĐCSTQ tiến thêm một bước là trấn áp người vô tội, mọi người sẽ cảm thấy đây là hiện tượng chính thường bởi vì họ đã bị ‘trơ’ trước những sự việc đó rồi. Cho nên sau khi ĐCSTQ làm bại hoại đạo đức con người, sự thống trị của nó càng chắc chắn hơn nữa. Ở phần 4, có nói, Pháp gia mong muốn người ta trở thành người xấu, mà người càng xấu và dục vọng càng nhiều lại bị khống chế càng dễ dàng, ĐCSTQ cũng muốn như thế.

3. Thù hận nhân loại

Pháp gia và ĐCSTQ còn có một điểm rất giống nhau nữa, đó là thù hận nhân loại. Pháp gia cho rằng ‘nhân tính bản ác’, cho nên phải dùng hình pháp nghiêm khắc để đối đãi con người. Pháp gia không giảng đạo lý, họ cho rằng hình phạt càng nghiêm khắc càng tốt. Chẳng phải Hàn Phi Tử từng nói: “Nhất định dùng bạo lực để áp bức và bóc lột người dân, biến dân thành trâu ngựa để cày kéo…” sao.

ĐCSTQ cũng thù hận nhân loại, mà không chỉ thù hận nhân loại, ĐCSTQ còn thù hận Thần, vũ nhục tổ tiên (2)… Đây là cái gen tự nhiên của ĐCSTQ.

Chúng ta biết rằng, tín ngưỡng tôn giáo trong quá khứ lấy ‘ái’ (yêu thương) làm trung tâm. Ví như Cơ Đốc giáo giảng phải ái Thần. Trong 10 điều răn của Thiên Chúa Giê-hô-va cho Moses, 4 điều đầu là nói về ái Thần. Giê-su từng nói: “… phải tận tâm, tận mệnh, tận ý yêu chủ Thần của các người”. Còn 6 điều sau là nói về ái nhân. Đây là ‘ái’ trong Cơ Đốc giáo.

Nho gia của Trung Quốc cũng như thế. Khi đề cập đến chữ Nhân – 仁 đã nói rằng: “Nhân giả ái nhân” tức “người nhân thì yêu người”. Khi hiểu lòng nhân ái, người ta mới biết yêu người khác. Phật gia cũng giảng ‘từ bi’, đây cũng yêu thương chúng sinh. Vậy nên chính tín thật sự trong quá khứ chủ trương ái, tức ái Thần và ái nhân.

Nhưng ĐCSTQ lại không chủ trương vậy, nó chủ trương ‘hận’, thù hận nhân loại. Chỗ này của ĐCSTQ rất giống với Pháp gia. Cho nên chúng ta thấy rằng, dưới sự tuyên truyền trường kỳ của ĐCSTQ, người Trung Quốc muốn thể hiện ‘ái’ như ái quốc thì phải thông qua ‘hận’ để biểu đạt. Lúc này ái quốc chính là phải hận Nhật Bản, hận Hoa Kỳ, hận Đài Loan, hận Tây Tạng, hận Tân Cương, hận phương tây… Điều này quả thật kỳ lạ, yêu mà phải thông qua hận để biểu đạt.

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev có một hồi ức về Mao Trạch Đông, trong hồi ký của mình ông kể: “Ở Mát-xcơ-va, Mao Trạch Đông nói với tôi: ‘Chiến tranh thế giới lần thứ ba nên được khai triển tại Trung Quốc. Đợi sau khi quân đội Mỹ tiến vào sâu trong nội địa, tôi sẽ nhờ Liên Xô thả bom nguyên tử, một chiêu quét sạch quân chủ lực Hoa Kỳ. Có thể vì thế mà chết đi 2/3 dân số, nhưng đổi lại một thế giới đại đồng thì cũng đáng’. Ông ấy để 400 triệu người làm bia đỡ đạn, việc như thế ông ấy có thể nói ra, ông ấy đã thương lượng với ai chưa? Thực hiện đại thảm sát đối với dân tộc mình, ông ấy nói điều đó tự nhiên, hơn nữa lại nhẹ nhàng đến dị thường, như là nói về… thời tiết. Đây là con người chăng?”.

Đặng Tiểu Bình cũng từng nói một câu khiến người bình thường cũng phải rùng mình: “Giết 200 nghìn người để đổi lấy ổn định 20 năm”. 

ĐCSTQ quả thật là tổ chức không bình thường, nói đến chuyện thảm sát, giết người mà ‘nhẹ tựa lông hồng’. 

Ngoài những điểm giống nhau kể trên, ĐCSTQ có điểm gì khác với Pháp gia, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo. 

Chuyên đề: Pháp gia mạn đàm

Đọc thêm:

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x