Xuân thu Chiến quốc (1) Mầm họa vong quốc từ Sở Bình Vương

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 21/04/2024
Danh mục: Huyền Sử

Thời Xuân Thu có năm quốc gia lần lượt xưng bá được sử sách gọi là Ngũ Bá. Vị bá chủ sau cùng là Sở Trang Vương. Năm 529 TCN, cháu trai của Sở Trang Vương là Khí Tật đã dùng thủ đoạn để giành giật vương vị, rồi tự xưng là Sở Bình Vương. Ngay sau khi xưng vương, ông ta lập con trai trưởng làm thái tử, rồi lại chỉ định Ngũ Xa và Phí Vô Kỵ theo phò tá thái tử.

Ngũ Xa chính là cha của Ngũ Tử Tư. Lúc ấy, Ngũ Xa được phong làm thái phó, tức là người thầy đứng đầu của thái tử, còn Phí Vô Kỵ giữ chức thiếu phó, tức là người thầy thứ hai. Hai thầy giáo này tính cách hoàn toàn trái ngược: Ngũ Xa bản tính vô cùng thẳng thắn cương trực, trong khi Phí Vô Kỵ lại là kẻ tiểu nhân nham hiểm, hẹp hòi.

Xem trọn bộ: Xuân thu chiến quốc.

Đương nhiên mối quan hệ giữa hai người này cũng không mấy tốt đẹp. Ngũ Xa vô cùng khinh ghét con người của Phí Vô Kỵ, thậm chí ngay cả thái tử Kiến cũng không ưa ông ta. Phí Vô Kỵ vốn là kẻ xấu xa bỉ ổi, hắn thầm nghĩ: Thái tử không ưa ta, nếu mai này y lên ngôi thì ta phải làm sao đây? Ta phải nghĩ cách khiến thái tử bị phế truất, mới có thể yên lòng. Thế là hắn ta đã nảy ra chủ ý xấu và chờ đợi đến khi thời cơ chín muồi.

Một ngày kia, Phí Vô Kỵ tâu với Sở Bình Vương rằng: Thần thấy thái tử không còn nhỏ tuổi nữa, đã đến lúc cần nạp phi cho thái tử rồi.

Khi đó thái tử chỉ mới 15 tuổi thôi. Thoạt nghe thì thấy Phí Vô Kỵ rất quan tâm đến thái tử, nên mới nghĩ đến chuyện nạp phi. Nhưng thực ra đây là mưu kế mà Phí Vô Kỵ đã tính toán trong nhiều năm.

Sở Bình Vương nghe xong liền hỏi: “Thế khanh nghĩ công chúa nước nào là thích hợp để liên hôn với Sở quốc chúng ta đây?”.

Vào thời Xuân Thu, liên hôn thường là giữa các chư hầu với nhau, thái tử nước này cưới công chúa nước kia, hoặc là công chúa nước này được gả cho thái tử của nước nọ. Trước đây người ta thường gọi đó là “Tần-Tấn kết mối lương duyên”, ấy là bởi vào thời Xuân Thu, Tần và Tấn là hai nước vô cùng rộng lớn, giữa họ thường liên hôn qua lại với nhau.

Tần là một nước lớn, đô thành khi đó ở đất Ung chứ không phải Hàm Dương. Về sau, khi Thương Ưởng cải cách chính trị thì đô thành mới được dời đến Hàm Dương. Trước đó, đô thành của Tần là ở đất Ung, chính là gần thành phố Bảo Kê của tỉnh Thiểm Tây ngày nay.

Phí Vô Kỵ nói: “Tần là nước lớn, mà Tấn cũng là nước lớn. Nhưng mối quan hệ giữa Tấn quốc và Sở quốc xưa nay vốn không được tốt, thường xuyên giao tranh với nhau. Nếu như Sở có thể liên hợp với Tần, thế thì nước Tấn sẽ không còn là điều đáng để chúng ta bận tâm nữa”.

Sở Bình Vương liền đồng ý và cử Phí Vô Kỵ sang sứ nước Tần, để đề nghị việc hôn sự. Cuộc đi sứ lần này diễn ra vô cùng tốt đẹp, Tần Ai Công đã đồng ý gả công chúa Mạnh Doanh cho thái tử Kiến.

Phí Vô Kỵ vừa trông thấy nàng Mạnh Doanh liền nảy sinh chủ ý. Bởi vì Mạnh Doanh thật sự rất xinh đẹp. Khi Phí Vô Kỵ đưa Mạnh Doanh về đến ngoại ô của đô thành, hắn ta nói với nàng rằng: “Công chúa hãy tạm thời ở đây chờ đợi một thời gian. Theo quy củ của Sở quốc chúng tôi, trước tiên cần bái kiến người nhà của thái tử, sau đó mới có thể thành thân được”. Thế là ngay đêm ấy, Phí Vô Kỵ vào thành diện kiến Sở Bình Vương. Câu đầu tiên Sở Bình Vương hỏi là: “Công chúa nước Tần có dung mạo thế nào?”.

Thông thường, khi nói đến chuyện nạp phi cho thái tử thì quân vương sẽ hỏi sứ giả rằng tình hình đi sứ thế nào, quân vương bên đó có hài lòng hay không, có bàn giao hay nhắn nhủ điều gì không… tức là thông thường đều sẽ hỏi việc công vụ trước. Thế nhưng Sở Bình Vương thì sao, câu đầu tiên lại là hỏi về dung mạo, điều này cho thấy ông ta là một người háo sắc. Trong cung có rất nhiều phi tần, nhưng lại không biết đủ.

Phí Vô Kỵ vốn là một tay mưu mô, luôn hiểu được lòng quân vương, vậy nên hắn liền thuận gió giong buồm, nói rằng: “Ôi chao! Cả một đời này thần đã từng gặp qua không ít nữ nhân, nhưng trước giờ chưa từng thấy mỹ nữ nào tuyệt sắc đến nhường này. Người ta thường truyền tụng nhau nào là Muội Hỷ, Đát Kỷ, Bao Tự gì gì đó. Riêng thần thì thấy họ dù có sống lại cũng không bì được một phần vạn của Mạnh Doanh”.

Sở Bình Vương nghe vậy, tim đập thình thịch, tà khí thăng lên, mặt đỏ bừng bừng mà nói rằng: “Quả nhân là quân vương của một nước lớn, mà không thể có được mỹ nữ tuyệt sắc như vậy, quả thật là đáng tiếc, đáng tiếc!”. 

Phí Vô Kỵ hùa theo: “Thế ngài hãy lấy nàng ấy đi”. 

Sở Bình Vương đăm chiêu: “E rằng không hợp với nhân luân”. 

Phí Vô Kỵ nói: “Hai người họ còn chưa thành thân mà. Nàng đã đến đô thành rồi, vậy ngài hãy lấy đi”. 

Sở Bình Vương nói: “Thế còn thái tử thì nên giải quyết thế nào?”. 

Phí Vô Kỵ nói: “Trong số các nữ tỳ đi theo, có một người con gái nước Tề, dung mạo cũng khá diễm lệ, hơn nữa cử chỉ hành vi đều rất hợp lễ nghi. Thần nghĩ có thể gả cô gái nước Tề ấy cho thái tử, còn ngài thì lấy Mạnh Doanh là được rồi”. 

Hai kẻ đồi bại đó bàn tính xong xuôi đâu đấy, đã cùng nhau làm ra chuyện thương thiên hại lý như vậy.

Trong “Sử Ký” phần “Thập nhị chư hầu niên biểu” chép rằng, năm 527 TCN, Phí Vô Kỵ đi sứ nước Tần, mục đích là để nạp phi cho thái tử Kiến. Tần Ai Công hứa gả con gái mình là Mạnh Doanh công chúa. Mạnh Doanh là trang mỹ nhân tuyệt thế, trong khi Sở Bình Vương lại là kẻ háo sắc. Phí Vô Kỵ nhân đó đã tìm cơ hội ly gián mối quan hệ giữa hai cha con, nên đã xúi giục Sở Bình Vương độc chiếm thái tử phi, rồi đem một người con gái nước Tề gả cho thái tử Kiến. Kế đánh tráo này đã gieo mầm họa vong quốc cho nước Sở sau này.

Câu truyện tiếp theo diễn ra như thế nào, liệu thái tử có để nuốt trôi cục tức này không, chúng tôi sẽ kể tiếp trong phần sau. Cảm ơn các bạn đã theo dõi video này, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}