Xuân thu Chiến quốc (26) Kết quả của việc bất nghĩa, Hạp Lư tử trận nơi sa trường

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 04/05/2024
Danh mục: Huyền Sử

Cổ nhân quan niệm: “Công thành thân thoái”, người sáng suốt thì nên biết điểm dừng. Nhưng Ngũ Tử Tư công thành mà thân không thoái, vậy nên khó tránh khỏi hậu hoạ. 

Ngũ Tử Tư ở nước Ngô lập được công lao hiển hách, được Ngô Vương tín phục, đối đãi như với bậc đại thần thân tín. Nhưng sau đó ông càng ngày càng gặp thất bại, bị thất sủng rồi bị bức tự sát, đặt dấu chấm tang thương cho một cuộc đời oanh liệt.

Ngũ Tử Tư kể từ khi trở về nước Ngô, công lao sự nghiệp đã đạt đến đỉnh điểm. Ngô Vương Hạp Lư dành cho ông sự tôn trọng sủng ái như thế nào? Ấy chính là: Gọi bằng ‘tên tự’ là chứ không gọi bằng ‘danh’. Ngũ Tử Tư tên thật là “Ngũ Viên”, còn “Tử Tư” là tên tự của ông. 

Việc xưng hô thời xưa khá là phức tạp. Có người xưng bằng “danh”, cũng có người xưng bằng “tự”, lại có người xưng bằng “hiệu”. “Danh” là cái tên mà phụ thân đặt cho đứa trẻ khi vừa mới sinh ra. “Danh” thường là cấp trên gọi cấp dưới, hoặc là trưởng bối gọi vãn bối. Ví như Gia Cát Lượng, thì cái tên “Lượng” chính là danh của ông. Ông tự xưng bằng cách nói khiêm tốn rằng: “Lượng tôi thế này thế kia”. Cho nên “danh” là cái tên dùng để tự xưng, là cách trưởng bối gọi vãn bối, là cấp trên gọi cấp dưới. 

Thế còn “tự” là gì? Ấy là khi một người trưởng thành, họ sẽ lấy một tên tự. “Tự” là dùng để xưng hô giữa bạn bè, là một loại tôn xưng, là cách gọi cung kính. Ngô Vương Hạp Lư đối đãi với Ngũ Tử Tư theo cách “gọi tên tự chứ không gọi danh”, tức gọi ông là Tử Tư mà không là Ngũ Viên. Qua đó có thể thấy, Ngô Vương lấy quan hệ bạn bè để xưng hô với Ngũ Tử Tư, chứ không lấy quan hệ giữa quân vương và đại thần để gọi ông. 

Hạp Lư từ nước Sở trở về nước Ngô là năm 506 TCN, sau đó không động binh gần 10 năm. Nhưng Ngô Vương Hạp Lư nhớ mãi không quên việc tấn công nước Việt. Vì năm 511 TCN, họ trưng binh nước Việt nhưng nước Việt không phái binh, nên sau đó phát sinh một cuộc chiến tranh. Sau này Phu Khái tạo phản và nước Việt lại giúp đỡ Phu Khái, vậy nên Hạp Lư vẫn luôn nuôi ý định đánh hạ nước Việt.

Cần phải nhớ rằng, khi đó nước Việt là chỉ một chư hầu của nhà Đông Chu, chứ không phải nước Việt Nam ta. Khi đó Việt Nam là ở vùng đất Lạc Việt, là một trong những chư hầu của nhà nước Văn Lang. Khi ấy Chu Thiên Tử cai quản các chư hầu phương Bắc, còn Hùng Vương thì cai quản các chư hầu phương Nam, và Lạc Việt là một trong những chư hầu của nước Văn Lang, dưới trướng của Hùng Vương thời đó.

Năm 496 TCN, Việt Vương Doãn Thường mắc bệnh qua đời, Ngô Vương Hạp Lư bèn nhân lúc Việt quốc có tang, bèn dự định đem quân chinh phạt nước Việt. Ngũ Tử Tư lập tức ngăn cản rồi nói: “Nhân lúc người ta có tang mà phát binh tấn công, đây là một việc bất nghĩa, không thể làm”. 

Thế nhưng Hạp Lư không nghe. Vì Ngũ Tử Tư phản đối xuất binh, nên lần này Hạp Lư không mang theo Ngũ Tử Tư mà tự thân dẫn binh công hạ Việt quốc. Kết quả là Ngô vương đã mất mạng trong trận chiến này. 

Quân đội hai nước Ngô – Việt gặp nhau ở Tuy Lý, là nơi gần phủ Gia Hưng tỉnh Chiết Giang ngày nay. Quân đội của Hạp Lư đã được Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ huấn luyện, nên sức chiến đấu rất mạnh. Vì vậy, quân binh nước Việt xông ra ba lần, lần nào cũng không đẩy được tuyến đầu của quân đội nước Ngô. 

Sau khi Việt vương Doãn Thường qua đời, người kế vị mới khi đó là Việt vương Câu Tiễn. Sau này, có người hiến kế cho Việt Vương Câu Tiễn rằng: “Có thể dùng tử tù”

Trong trận chiến, Việt Vương phái 300 tử tù chạy đến trước mặt quân đội nước Ngô, 300 tử tù này cầm kiếm đặt lên cổ và hét lên rằng: “Vua nước tôi không biết tự lượng sức, đã đắc tội với thượng quốc, nên chúng tôi nguyện ý lấy cái chết để chuộc lại sai lầm của quân vương”. Sau đó từng người từng người vung kiếm tự sát. Binh sĩ nước Ngô ai nấy đều sững sờ trước cảnh tượng này, họ nghiêng đầu ghé tai xì xào bàn tán, khiến đội hình rối loạn.

Việt vương Câu Tiễn thừa cơ đánh trống, quân lính nước Việt anh dũng xông ra, thoáng chốc đã phá tan trung quân của nước Ngô. Hạp Lư thấy quân đội nước Việt xông đến đột ngột, liền quay xe định bỏ chạy, kết quả gặp ngay đại tướng Linh Cô Phù của nước Việt. 

Linh Cô Phù thấy Hạp Lư thì ngay lập tức một đao chém xuống, Ngô vương Hạp Lư ngả về phía sau, thân tránh được nhưng chân lại không tránh được, ngón chân cái của ông bị chặt đứt lìa. Hạp Lư khi đó lui binh không quá bảy dặm, vì tuổi già sức yếu, nên hô to một tiếng rồi tắt thở. Quân đội nước Ngô chịu tang quân vương mà quay về.

Sự việc tiếp theo diễn ra như thế nào, liệu Ngô Vương Phù Sai có thể báo thù rửa hận hay không, chúng tôi sẽ kể tiếp câu chuyện trong tập sau. Cảm ơn bạn đã theo dõi video này, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}