Xuân thu Chiến quốc (42) Lý Khôi đưa ra năm nguyên tắc chọn hiền thần

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 08/05/2024
Danh mục: Huyền Sử

Thời đó, nước Ngụy tập trung rất nhiều anh hùng hào kiệt. Ví như Nho giáo có: Tử Hạ, Điền Tử Phương, Cốc Lương Xích, Công Dương Cao; về hành quân đánh trận có: Ngô Khởi, Nhạc Dương, Tây Môn Báo; về trị quốc có: Ngụy Thành, là em trai của Ngụy Văn hầu, còn có Địch Hoàng, Lý Khôi… toàn là những người tài năng xuất chúng,, xác thực là thời đó ở nước Ngụy có rất nhiều nhân tài.

Địch Hoàng là người giỏi nhìn người, ông đã tiến cử Nhạc Dương, giúp chiếm lĩnh Trung Sơn, tiến cử Tây Môn Báo để quản lý Nghiệp thành, rồi lại tiến cử Ngô Khởi để chiếm lĩnh Tây Hà. Do đó, ông cho rằng mình có công lao rất lớn trong kiến lập nước Ngụy.

Đến một ngày Ngụy Văn hầu hỏi Lý Khôi rằng: “Ông đã nói với ta, nhà khó cậy vợ hiền, nước loạn nhờ tướng giỏi. Hiện tại, ta muốn tìm một tài năng để làm Thừa tướng, ông xem Địch Hoàng hay Ngụy Thành, ai mới là người thích hợp?”. 

Ngụy Thành là em trai của Ngụy Văn hầu, còn Địch Hoàng là đại thần bình thường. Lúc đó Lý Khôi không nói, Ngụy Văn hầu nhất định buộc ông phải nói, khi này ông mới nói rằng: “Ngài không cần hỏi thần, thần sẽ đưa ra năm nguyên tắc, ngài căn cứ trên năm nguyên tắc đó mà chọn”.

“Thứ nhất, là bình thường người ấy quan hệ tốt với ai. Thứ hai, là khi có của cải, người ấy cho ai tiền. Thứ ba, là khi có quyền lực, người ấy tiến cử ai, tiến cử người hiền tài hay chỉ là người thân thích, mà không quan tâm đến tài đức. Thứ tư, là khi lâm vào cảnh khốn cùng, xem người đó có vì muốn giải thoát khó khăn mà làm những việc không nên làm hay không. Thứ năm, là khi rất nghèo khó, xem người ấy có vì muốn phú quý mà lấy những thứ không nên lấy hay không”. 

Điều thứ tư và thứ năm, nói rõ hơn là người ấy vì muốn giàu có, thoát cảnh khốn cùng, liệu có làm những việc vượt quá giới hạn hay không.

Ngụy Văn hầu trầm ngâm rồi nói: “Ta đã biết rồi”. 

Lý Khôi đứng dậy rời khỏi cung. Khi ông qua nhà Địch Hoàng, thì bị Địch Hoàng cản lại và hỏi rằng: “Tôi nghe nói đại vương đã thỉnh giáo ông về việc ai có thể làm Thừa tướng, ông đã tiến cử ai?”

Lý Khôi đáp: “Nên là giao cho Ngụy Thành”.

Địch Hoàng nói: “Tôi muốn bàn luận với ông một chút. Ông cảm thấy tôi có điểm nào không bằng Ngụy Thành? Khi vua lo lắng về Trung Sơn, tôi tiến cử Nhạc Dương; khi vua lo nghĩ về Nghiệp thành, tôi tiến cử Tây Môn Báo; khi vua nghĩ ngợi về Tây Hà, tôi tiến cử Ngô Khởi… Ông nói tôi có điểm nào không bằng Ngụy Thành đây?”.

Lý Khôi nói: “Tôi vừa nói với quốc vương năm điều để lựa chọn người làm Thừa tướng, để tôi nhắc lại lần nữa cho ông. Ông sao có thể so sánh với Ngụy Thành được. 9/10 bổng lộc của Ngụy Thành, ông ấy dùng để nuôi dưỡng nhân tài hoặc phân phát cho bách tính, chỉ dùng 1/10 số tiền ấy cho riêng mình; còn ông thì sao, tất cả tiền ông đều lấy về mình; đây là điều thứ nhất. Thứ hai, những người Ngụy Thành tiến cử là những ai? Ngụy Thành tiến cử Bốc Tử Hạ, Điền Tử Phương, Cốc Lương Xích, Công Dương Cao, Đoàn Can Mộc, mỗi người họ đều trở thành thầy hoặc bạn của nhà vua. Còn ông tiến cử Nhạc Dương, Tây Môn Báo, Ngô Khởi, những người họ đều chỉ là bề tôi của vua. Cho nên ông làm sao sánh với Ngụy Thành được!”.

Địch Hoàng sau khi nghe xong, cảm thấy lúng túng xấu hổ, một lúc sau, ông chỉnh đốn lại bản thân, giữ một thái độ khiêm cung mà nói với Lý Khôi rằng: “Vừa rồi tôi lỡ lời, mong ông bỏ quá cho, tôi hy vọng từ đây đến cuối đời được làm đệ tử của ông”.

Ngụy Văn hầu không chỉ là người giỏi dùng người, mà còn là người rất có nhãn quan chiến lược. Sau khi tam gia phân Tấn, Hàn gia từng cử sứ giả sang Ngụy, để bàn việc cùng hợp tác và đánh họ Triệu, nhưng Ngụy Văn hầu nói: “Nhà họ Triệu là anh em của ta, ta không thể tấn công họ”

Lúc đó, nhà họ Hàn rất tức giận rồi rời đi. 

Qua một đoạn thời gian, nhà họ Triệu cũng đến nói với Ngụy Văn hầu, muốn hợp tác để đánh hạ nhà họ Hàn. Nhưng Ngụy Văn hầu cũng nói như thế, ông nói: “Nhà họ Hàn là anh em của ta, ta không thể đi đánh họ”. 

Thế là nhà họ Triệu cũng rất phẫn nộ rồi rời đi.

Sau này, nhà họ Hàn và nhà họ Triệu nghe nói về nguyên nhân Ngụy Văn hầu cự tuyệt thì đều rất cảm động, cho nên hai nhà đã đến nước Ngụy triều kiến. Nước Ngụy khi đó là một quốc gia rất lớn mạnh. Hơn nữa, Ngụy Văn hầu còn tránh được việc thảo phạt lẫn nhau của hai nhà còn lại sau khi phân Tấn.

Chiến lược của Ngụy Văn hầu khiến tam Tấn tránh được nội loạn, đồng thời hướng ánh nhìn của mỗi nhà ra bên ngoài. Ngô Khởi công hạ được Tây Hà cho Ngụy Văn hầu, đối với nước Tần mà nói là một thất bại rất lớn. Ngô Khởi chỉ huy quân Ngụy vượt sông, đánh phá cứ điểm quân sự của nước Tần ở địa khu Tây Hà, quân Ngụy lại chiếm thêm Lâm Tấn, Vương Thành, Nguyên Lý, Lạc Âm, Hợp Dương, Âm Tấn. Quân Ngụy không chỉ chiếm được Tây Hà, mà còn chiếm được Thiểm Tây, khống chế đường giao thông hoàng kim giữa phía tây và Trung Nguyên.

Vùng đất Tây Hà là giao giới của ba con sông Hoàng Hà, Vị Hà và Lạc thủy, là một nơi rất màu mỡ. Hoàng Hà vốn là nơi hiểm yếu để phòng ngự, Tây Hà lại bị chiếm, hơn nữa con đường giao thông hoàng kim từ phía tây sang Trung Nguyên lại bị nước Ngụy chiếm, những điều ở trên khiến nước Tần ngày càng suy yếu.

Năm 362 TCN, Tần Hiếu công kế vị. Khi đó, ông cảm thấy nếu cứ phát triển tiếp như thế, nước Tần sẽ mau chóng diệt vong. Thế là ông phái người dán cáo thị ghi rằng: “Những môn khách, quần thần, người nào có được kế hay, khiến nước Tần hùng mạnh, trẫm sẽ cấp quan và phong đất ai trị”.

Thế là có một người mang theo cuốn “Pháp kinh” của Lý Khôi, từ nước Ngụy đi về hướng Tây, sang nước Tần. Người này đến nước Tần được cho là người bắt đầu biến nước Tần thành “nước giàu binh mạnh”. Khi nhắc đến Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của ông. Rốt cuộc vị đó là ai, chúng tôi sẽ kể tiếp câu chuyện trong phần tiếp theo. Cảm ơn bạn đã theo dõi video này, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}