Hàn Tín (13) Thăng chức Tề Giả Vương – Quản lý nước Tề rộng lớn

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 07/04/2024
Danh mục: Huyền Sử

Hàn Tín sau khi phá tan đại quân của Long Thư, bình định nước Tề, bước tiếp theo chính là quyết chiến với Hạng Vũ. Nhưng trước đó, việc then chốt nhất chính là củng cố thành quả đã đạt được. Người Tề trước nay vốn không cam tâm bị người khác thống trị, lại thêm Điền Hoành còn chưa rõ sống chết, càng khiến nước Tề thêm chông chênh. Số thành trì của Tề mà quân Hán chiếm được còn nhiều hơn tổng số thành trì đã chiếm lĩnh trước đó. Cho nên việc trấn thủ nước Tề quả là một thách thức rất lớn.

So với nước Yên, thế cục nước Tề càng phức tạp hơn. Bên cạnh Hàn Tín cũng không có nhân tài quản lý đất nước như Trương Nhĩ, mà chỉ có những võ tướng như Quán Anh, Tào Tham. Không còn cách nào khác, Hàn Tín buộc lòng phải viết thư cho Lưu Bang tâu rằng: “Tề vốn là nước nhiều biến loạn, nhiều điều gian trá bất trắc. Phía nam giáp nước Sở, nếu không lập giả vương thì không thể bình định được. Xin hãy lập tức cho thần được làm giả vương.” Như vậy Hàn Tín xin để bản thân được làm “Tề giả Vương,” ý tứ là Tề Vương tạm thời.

Trước nay Lưu Bang vốn kiêng dè Hàn Tín. Trước đó bởi vì phải dựa vào Hàn Tín để đối chọi với Hạng Vũ, nên mới đành trao cho Hàn Tín phần nào binh quyền. Trong khi Hàn Tín bình định nước Tề ở phía đông, Lưu Bang ở Quảng Võ bị Hạng Vũ bắn tên trúng vào ngực. Sau đó lúc bao vây Chung Ly Muội, không những không có kết quả, mà Lưu Bang còn bị Hạng Vũ phản kích và bị dồn vào tình thế nguy hiểm, tiến thoái lưỡng nan, chỉ có thể trông mong Hàn Tín dẹp yên nước Tề rồi đến cứu viện. 

Khi đọc thư của Hàn Tín, Lưu Bang đùng đùng nổi giận, lớn tiếng chửi bới ngay trước mặt sứ giả. Trương Lương đứng ở bên cạnh vội khẽ giẫm vào chân của Lưu Bang, nhắc nhở ông ta về mối nguy thế cục, chi bằng hãy đối xử tử tế với Hàn Tín, để Hàn Tín trông coi nước Tề, bởi nếu chẳng may nước Tề phát sinh biến cố, hình thế sẽ càng bất lợi.

Lưu Bang vốn là người mưu sâu kế hiểm, nên tự biết cân nhắc nặng nhẹ, liền đổi giọng: “Nếu muốn làm thì hãy làm chân vương, cớ gì phải làm giả vương?” Sau đó bèn cử Trương Lương làm đặc sứ, mang theo ấn tín đến đất Tề, phong Hàn Tín làm Tề Vương. Lúc quay về, Trương Lương dẫn theo đại bộ phận binh lực của Hàn Tín đến Huỳnh Dương, giúp Lưu Bang quyết chiến với Hạng Vũ.

Nhiều người đời sau cho rằng hành động tự xin phong vương của Hàn Tín là khởi nguồn cho chuỗi bi kịch của ông. Tuy nhiên, những người ôm giữ quan điểm này đã chỉ nhìn hiện tượng ở bề mặt, mà bỏ qua tính cách cơ bản nhất của Lưu Bang và Hàn Tín.

Trước hết, việc lập Tề Vương là tình thế bắt buộc. Lưu Bang không nhìn ra được điểm này hoặc không thể chấp nhận điểm này. Hàn Tín dâng tấu thư nói thẳng vấn đề, ấy là việc làm của bậc trung thần. Thế thì ai thích hợp làm người cai trị đất Tề đây? Hàn Tín ở đất Tề liên tiếp thắng trận, uy danh tựa như mặt trời chính ngọ, ngoài Hàn Tín ra, xác thực không còn ai có thể ổn định thế cục của nước Tề.

Thứ hai, Hàn Tín đã lập nên biết bao chiến công hiển hách cho Lưu Bang, dù có thật sự luận công thỉnh thưởng, phong ông làm Tề Vương, thì cũng không quá đáng chút nào.

Thứ ba, Lưu Bang vốn có lòng đố kỵ chèn ép Hàn Tín, vốn không phải từ khi Hàn Tín xin sắc phong là Tề vương, mà nó đã bắt đầu ngay từ khi rời khỏi Hán Trung. Lưu Bang đều là những lúc bản thân cùng đường bí lối mới phải dùng Hàn Tín, còn khi tình huống chỉ hơi có chút chuyển biến tốt lên, liền lập tức tước binh quyền hoặc kìm hãm sự phát triển của Hàn Tín. Tuy là Hàn Tín vẫn luôn lấy đức báo oán, một lòng trung thành và tận tâm với nhà Hán, cũng không sao cảm hóa được Lưu Bang.

Mặc dù Lưu Bang ngay đến tước vương cũng không muốn phong cho Hàn Tín, nhưng công lao và năng lực của Hàn Tín, thì trong mắt của người trong thiên hạ đã là quá rõ ràng. Rất nhiều kẻ sĩ tri thức đều nhận ra Hàn Tín mới là người nắm giữ đại cục, có thể thống nhất thiên hạ. Nếu Hàn Tín đầu quân cho Lưu Bang, nhà Hán thắng, nếu ông đảo hướng nghiêng về Hạng Vũ, nước Sở thắng, còn ví như tự mình làm vương thì sẽ chia ba thiên hạ.

Hạng Vũ vốn tự tin bản thân mình là thiên hạ vô địch, xem thường mưu trí và binh pháp. Nhưng cái chết của Long Thư là một đòn nặng giáng vào Hạng Vũ. Sau khi suy đi tính lại, Hạng Vũ đã thỉnh mời người có tài ăn nói là Vũ Thiệp đến thuyết phục Hàn Tín.

Quê của Vũ Thiệp tiếp giáp với Hoài Âm, nên có thể xem là đồng hương với Hàn Tín, người này xưa nay dựa vào tài ăn nói mà vang danh thiên hạ. Khi đến gặp Hàn Tín, Vũ Thiệp phân tích rõ ràng về con người của Lưu Bang, chỉ ra lòng tham không đáy, hành động bội tín bội nghĩa, trở mặt vô tình và lấy oán báo ân của ông ta. Với loại người không giảng tín nghĩa, sáng nắng chiều mưa như vậy làm sao có thể nương tựa vào được? Vũ Thiệp cho rằng Lưu Bang hiện nay chưa trở mặt với Hàn Tín, chẳng qua là vì muốn nhờ Hàn Tín đối phó Hạng Vũ. Một khi diệt xong Hạng Vũ, người kế tiếp sẽ chính là Hàn Tín. Người thông minh như Hàn Tín lẽ nào nhất định muốn dốc sức phục vụ Hán Vương, để rồi khiến bản thân lâm vào tình cảnh nguy hiểm hay sao?

Vũ Thiệp đưa ra những lập luận sâu sắc, lời lẽ sắc sảo để thuyết phục, nhưng Hàn Tín không chút động tâm và biểu đạt lòng trung thành với Lưu Bang “dù chết cũng không thay đổi.” Ông nhờ Vũ Thiệp gửi lời cảm ơn đến Hạng Vương. Thấy thái độ cương quyết của Hàn Tín, Vũ Thiệp đành phải hậm hực ra về.

Sau khi Vũ Thiệp rời đi, tâm phúc của Hàn Tín là Khoái Triệt cũng đến thảo luận với ông về chủ đề này. Hiểu rõ Hàn Tín trọng nghĩa khinh lợi, có ân ắt báo, nên Khoái Triệt đã mượn thuật xem tướng mặt mà đưa ra ý kiến với Hàn Tín. Ông nói bản thân từng được cao nhân chỉ dạy, am hiểu sâu sắc thuật xem tướng bí truyền, có thể từ vóc dáng, khuôn mặt mà suy đoán ra vận mệnh, trước nay đều linh nghiệm. Hàn Tín quả nhiên cảm thấy hứng thú, nhờ Khoái Triệt xem tướng cho mình.

Khoái Triệt bảo Hàn Tín lệnh cho lui tùy tùng, một lời hai ý nói rằng: “Xem tướng mặt của tướng quân thì nhiều nhất cũng chỉ được phong hầu, hơn nữa còn có nguy hiểm. Nhưng xem tướng lưng của ngài, thì phú quý vô lượng.” Chữ “lưng” mà Khoái Triệt nói ở đây ngụ ý là quay lưng, rời bỏ Hán Vương, còn từ “mặt” là đối lập với lưng, ý chỉ trung thành với Hán Vương.

Khoái Triệt tiếp tục: “Thời đầu khi thiên hạ đại loạn, các anh hùng hào kiệt đều giương cờ xưng vương, vạn người quy tụ hưởng ứng. Lúc bấy giờ, họ chỉ có một mục đích là lật đổ nhà Tần mà thôi. Hiện tại thế cục đang biến thành Sở-Hán tương tranh, khiến vô số người chết thảm, gan mật, xương cốt phơi đầy đồng hoang.

Hạng Vũ tuy có khởi đầu tốt, uy danh vang dội thiên hạ, thế nhưng hiện tại lại đang bị hãm ở khu vực Thành Phụ, ba năm không có đột phá gì. Hán Vương dẫn theo 10 vạn đại quân dựa vào địa hình thuận lợi ở vùng Lạc Dương, mỗi ngày đánh tới mấy trận nhưng chẳng được tấc đất nào, liên tiếp bại trận tháo lui, họ đều là những người không đủ mưu trí và dũng cảm.

Đến nay, nhuệ khí của cả hai bên đều đã hết, tài lực cạn kiệt, bách tính chán ghét cảnh chiến tranh dai dẳng, mong mỏi một cuộc sống yên ổn, nhưng không biết dựa vào ai. Trước tình thế này, nếu không có người thánh hiền và đại đức, thì khó có thể dập tắt được sự họa loạn của thiên hạ. Hiện tại vận mệnh của hai vị vương đều nằm trong tay ngài, ngài giúp Hán thì Hán thắng, ngài giúp Sở thì sở thắng. Tôi sẵn lòng giãi bày tâm can với ngài, xin dâng ngu kế của mình, chỉ sợ ngài không muốn dùng mà thôi. Theo kế sách của tôi thì tốt nhất là không giúp bên nào cả, ngài và họ chia ba thiên hạ, tạo thế chân vạc.

Với tài năng thánh hiền của ngài, lại thêm binh lực lớn mạnh và lãnh thổ rộng lớn của các nước Tề, Yên, Triệu Đại, sẽ có thể khống chế được hai nhà Lưu-Hạng. Chúng ta thuận theo ý dân thì người trong thiên hạ nhất định sẽ đến hưởng ứng chúng ta. Lấy đức, lấy lễ đối đãi với chư hầu thì họ nhất định sẽ đến quy thuận, thiên hạ sẽ thuộc về Tề. Người ta thường nói: ‘Trời cho mà không lấy, thì ngược lại không chừng phải chịu tội; thời đến mà không hành động, thì sẽ nhận lấy tai ương,’ vậy nên mong ngài hãy suy xét cho thật kỹ.

Hàn Tín nói: “Hán Vương có ân huệ với ta. Ta nghe nói ‘Đi xe người thì lo cho nỗi lo của người, mặc áo của người thì giúp gánh vác nỗi ưu tư của người, ăn cơm của người thì chết cho việc của người,’ ta sao có thể vì tư lợi của bản thân mà bội tín bội nghĩa chứ?”

Khoái Triệt nói: Túc hạ tự cho là mình chỗ giao hảo với Hán Vương, muốn xây dựng nên cơ nghiệp muôn đời, tôi thiết nghĩ điều này có chỗ không đúng. Nói như Trương Nhĩ, Trần Dư, xưa kia vốn là đôi bạn tri kỷ đồng sinh cộng tử, thế nhưng chỉ vì chút hiểu lầm nho nhỏ mà đã xem nhau như kẻ thù không đội trời chung, chỉ muốn mau giết đối phương cho hả dạ. Ham muốn nhiều sẽ sinh họa loạn, hơn nữa lòng người khó lường! Tình nghĩa giữa tướng quân với Hán Vương không thể so được với tình cảm của Trương Nhĩ và Trần Dư thuở ban đầu. Thế nhưng, sự hiểu lầm giữa tướng quân với Hán Vương lại vượt xa mâu thuẫn của hai người kia, vì sao ngài tin rằng Hán Vương không hại ngài chứ?

Có câu nói rằng ‘Thú hoang hết, thì chó săn cũng bị đem nấu; nước địch phá xong, thì mưu thần cũng chết.’ Xưa kia đại phu Văn Chủng có công phục hưng nước Việt, giúp Câu Tiễn lên ngôi bá vương, vậy mà bản thân lại rơi vào cảnh công thành thân vong. Hai ví dụ này còn chưa nói rõ vấn đề sao? Tôi nghe nói rằng những người dũng mãnh mưu trí, khiến cho bậc quân chủ e sợ, thì bản thân họ rất dễ gặp nguy hiểm. Người có công lao cái thế thì lại không được ban thưởng.

Ngài vượt Tây Hà, bắt Ngụy vương làm tù binh, bắt sống Hạ Duyệt, dẫn binh xuống Tỉnh Hình, giết Thành An Quân, chiêu hàng Triệu, uy hiếp Yên, bình định Tề, bẻ gãy 20 vạn quân chi viện của Sở ở phía nam, trảm Long Thư ở phía đông, trở về tây để báo tin thắng trận, đó chính là công lao cái thế vô song và mưu lược thiên hạ đệ nhất vô nhị. Nếu ngài theo Hạng Vũ, ông ấy cũng không dám tin tưởng ngài, nếu như theo Hán Vương, Hán Vương nhất định sẽ có lo lắng trong lòng, vậy thì ngài còn có thể quy thuận ai đây? Ở địa vị bầy tôi mà công lao thiên hạ không ai có thể so bì, tôi thấy nguy thay cho ngài.”

Hàn Tín cắt lời Khoái Triệt và nói: “Tiên sinh không cần nói thêm nữa, để ta suy nghĩ đã.”

Vài ngày trôi qua, không thấy Hàn Tin có động tĩnh, Khoái Triệt lại đi thuyết phục một lần nữa, nói rằng: “Biết lắng nghe ý kiến là điều kiện để thành sự, có thể đưa ra quyết định chính xác là nhân tố then chốt để thành công. Thời cơ dễ mất khó được. Xin ngài hãy suy xét thật kỹ.”

Hàn Tín vẫn luôn không muốn phản Hán. Khoái Triệt tự biết sự tình hệ trọng, nếu cuộc trò chuyện giữa họ bị tiết lộ ra bên ngoài, nhất định sẽ gặp họa diệt môn, bèn bỏ đi, giả điên làm thầy cúng, sống tha hương.

Hàn Tín quyết không tự lập mình làm vương, kết cục cuối cùng quả thật đã ứng nghiệm với dự ngôn của Vũ Thiệp, rằng: “Hạng vương hôm nay vong, ngày mai ắt đến lượt túc hạ.” 

Người đời sau đối với điều này bình phẩm không ít. Rất nhiều người không thể lý giải được tấm lòng của Hàn Tín, “thà để người thiên hạ phụ ta, ta quyết không phụ người thiên hạ”, nhiều người nghĩ như thế là hành động “ngu muội.” 

Cũng có người sau nói rằng tài hoa cái thế của Hàn Tín chỉ có thể dùng ở mặt quân sự, còn về mặt chính trị thì không phải là đối thủ của Lưu Bang. 

Nhưng mà, thắng lợi của Hàn Tín trên chiến trường vốn không phải chỉ dựa vào binh hùng tướng mạnh, ông thường là những lúc thân lâm vào cảnh đường cùng thế yếu, dùng mưu trí phi phàm giành được thắng lợi. Loại trí mưu này không chỉ cần có khả năng quan sát cực kỳ tỉ mỉ tinh tế, sự phán đoán tình thế vô cùng chuẩn xác, mà còn cần phải là người quả cảm, khí phách siêu phàm, loại trí huệ này dùng vào đâu thì cũng không ai có thể so sánh được. 

Điều đó cho thấy không phải Hàn Tín không giỏi về chính trị, chỉ là ông không làm theo kế của Khoái Triệt. Hàn Tín không muốn trở thành kẻ vong ân bội nghĩa. Vì nếu không có Lưu Bang, thì Hàn Tín suốt đời cũng chỉ là lính quèn, sẽ không bao giờ có cơ hội để thi triển tài năng, bình định thiên hạ, sẽ không thể trở thành đại tướng quân uy danh lừng lẫy. Người xưa có câu, nhận ân một giọt, báo ân một dòng. Điều này cho thấy con người của Hàn Tín, quyết không vì lợi ích mà mà quên ơn ngày xưa của Lưu Bang. Đây chính là Hàn Tín của lịch sử.

Lưu Bang kia cũng đạt tới trình độ hiếm có trong lịch sử xưa nay, nhưng là về sự cay độc đa nghi, mặt dày vô liêm sỉ, chứ không phải là có trí lực và gan dạ sáng suốt hơn người. Trên thực tế, tất cả những thành quả to lớn quan trọng trong chiến tranh Sở-Hán đều do một tay Hàn Tín làm nên, còn thành tựu lớn nhất của Lưu Bang chỉ là cướp công lao của người khác về tay mình mà thôi.

Sự việc tiếp theo diễn ra như thế nào, Hàn Tín sẽ dùng mưu kế gì trong trận quyết chiến cuối cùng với Hạng Vũ, chúng tôi sẽ kể tiếp trong phần tiếp theo. Cảm ơn bạn đã theo dõi video này, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


Có thể bạn quan tâm:

Xuân thu Chiến quốc (48) Sự xuất hiện của Thương Ưởng – Đại biểu đầu tiên của Pháp gia

Xuân thu Chiến quốc (48) Sự xuất hiện của Thương Ưởng – Đại biểu đầu tiên của Pháp gia

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}