Giới tử thư: Tâm thư dạy con của Gia Cát Lượng – Nghìn năm sau vẫn còn nguyên giá trị

Tác giả: Cổ Nguyệt | Cập nhật: 02/05/2024

Gia Cát Lượng (181-234), tự Khổng Minh (hiệu là Ngọa Long tiên sinh), được mệnh danh là bậc kỳ nhân có tài khuynh thiên hạ của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Ông không chỉ nổi tiếng với tài năng quân sự lỗi lạc, trí tuệ siêu phàm, đạo đức thanh cao, mà còn được biết đến như một người thầy người cha đầy trách nhiệm. 

Điều đó được thể hiện qua bức thư nổi tiếng ông gửi cho con trai Gia Cát Chiêm mà mọi người được biết đến là “Giới Tử Thư” – nghĩa là “Thư răn dạy con”. Dù chỉ 86 chữ rất ngắn gọn nhưng chứa đựng những tầng ý nghĩa triết lý sống vô cùng sâu sắc. 

Nội dung của “Giới Tử Thư”

giới tử thư của Gia Cát Lượng (tiếng Trung)

Hán Việt:

Giới tử thư (tiếng Việt)

 Dịch nghĩa:

“Hành động của người quân tử là giữ tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dung dưỡng đức độ. 

Không đạm bạc thì không thể có chí sáng, không yên tĩnh thì không vươn được xa. 

Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng thì phải học; 

Không học thì không biết rộng, không có chí thì việc học không thành. 

Ham muốn hưởng lạc thì không có ý chí phấn đấu, nóng vội, hấp tấp thì không tu dưỡng được tiết tháo. 

Thời gian mang tuổi tác qua, ý chí cùng ngày tháng trôi đi, rồi cũng trở nên khô héo, không còn giúp gì được cho đời;

Rồi buồn tủi nơi lều nát, sao còn khôi phục lại kịp cái chí hướng được nữa!”

Hoàn cảnh Gia Cát lượng viết “Giới Tử Thư”

Năm Gia Cát Lượng 36 tuổi thì có con trai đầu lòng là Gia Cát Chiêm (tự Tử Viễn). 

Khoảng năm 225 khi đang ở huyện Vũ Công, ông  đã viết thư cho anh trai là Gia Cát Cẩn và có nhận xét về Tử Viễn như sau:

Chiêm nay đã tám tuổi, thông tuệ khả ái, hiềm là sớm chín chắn, sợ rằng chẳng có chí khí lớn” (1)

Dù là một kỳ tài quân sự, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, văn thao võ lược, tinh thông mọi thứ; nhưng đồng thời qua lời tâm sự trong thư của ông, ta có thể cảm nhận rõ nỗi lòng của một người cha – cũng như bao bậc phụ mẫu khác trong thiên hạ luôn trăn trở cho tương lai của con mình.

Vốn dĩ Gia Cát Chiêm tính tình hàm hậu, am tường thư hoạ, lại biết nhiều nhớ lâu, quả thật là nhân tài. Nhưng lúc này cậu đang chỉ là một đứa trẻ 8 tuổi nên vẫn còn cần rèn luyện thật tốt để có thể đạt được tiềm năng về tài năng thao lược như cha của mình. Và đây cũng là những điều Khổng Minh tiên sinh nhắn nhủ riêng cho con, đúng 1 năm trước khi ông qua đời. 

Gia Cát Lượng

Vậy có thể hiểu hàm nghĩa chân chính đằng sau như thế nào? Người viết xin mạn phép lý giải theo 4 chữ xuyên suốt cả bức thư như dưới đây.

Thứ nhất: Chữ “Tĩnh”

Ninh tĩnh trí viễn” (寧静致遠) có nghĩa tâm thái bình lặng, không bị tạp niệm, mới có thể xác định và thực hiện được những mục tiêu cao xa. 

Đây là một thành ngữ ở Trung Quốc, xuất hiện đầu tiên vào những năm đầu nhà Tây Hán trong sách Hoài Nam tử – Chủ thuật huấn của Hoài Nam Vương Lưu An. Sau này khi được Gia Cát Khổng Minh đưa vào Giới Tử Thư, lại càng trở thành kinh điển.

Chỉ khi nào trong đầu không có tạp niệm, tâm vô sở cầu thì nhận thức và chí hướng mới rõ ràng hơn, kiên định hơn. Tâm tĩnh thì tuệ sinh, lấy bất biến ứng vạn biến, càng không bị nhân tâm hay danh lợi trói buộc, không bị phồn hoa níu kéo, con người ta mới thấu hiểu được bản thân mình và làm nên đại sự.

Vì vậy, điều cốt lõi đầu tiên của một bậc quân tử chính là phải tu dưỡng cho mình một nội tâm an tĩnh.

Khi đã đạt đến trạng thái tâm tĩnh như đầm sâu nước chết, đó đích thực là một loại năng lực của bậc cao nhân, vừa có thể ẩn mình rất sâu vừa, có thể lớn mạnh một cách mạnh mẽ.

Trong bộ sử ký Tam Quốc Chí, chúng ta đều biết sự tính Gia Cát Lượng sử dụng “Không Thành Kế”, đã đẩy lui 15 vạn hùng binh của Tư Mã Ý ở Tây Thành.

Trước trận thế đông như hồng thủy của kẻ địch, ông cho mở toang 4 cổng thành, cử khoảng 20 quân lính giả trang thành dân thường quét dọn đường phố trước cửa thành, còn bản thân thì mang theo thư đồng bày hương án trên mặt thành, để gảy khúc cổ cầm ưa thích của mình là “Lương Phủ Ngâm” (2). 

Một nghệ nhân thực thụ luôn phải đạt yêu cầu trước tiên là tâm phải tĩnh, thì mới gảy lên được âm điệu tinh túy của cổ cầm. Nhưng mà, “Lương Phủ Ngâm” mà Gia Cát Lượng gảy hôm đó, vốn dĩ xuất phát là một khúc táng ca, để bày tỏ sự cảm khái của người quân tử trước kẻ sĩ vô tội bị tử trận.

Mặc dù Tư Mã Ý biết đó là mưu kế của Khổng Minh, nhưng lại có cảm giác hư hư thực thực, và đối với một kỳ phùng địch thủ có tâm thái như vậy, thống soái quân Ngụy không thể không cân nhắc. Tất cả yếu tố này đã khiến cho nội tâm quân Ngụy dao động, trúng kế và rút lui. 

Thứ 2: Chữ “Kiệm”

Tại sao cần kiệm lại có thể dung dưỡng đức độ?

Lối sống cần kiệm đạm bạc nhằm mục đích để tu thân dưỡng đức, và để có được sự tĩnh lặng thực sự từ trong tâm, như nước mặt hồ. Mặt nước càng tĩnh lặng, càng phản chiếu rõ vạn vật trên đời, tâm càng tĩnh thì càng nhìn rõ được nhân sinh.

Nếu không, các chủng dục vọng, các thú vui hưởng lạc cùng những ồn ào nơi thế tục dễ làm người ta đắm chìm trong đó mà đánh mất chính mình. Có thể chịu được những cái khổ mà người khác không chịu được, thì mới làm được những việc người khác không làm được. 

Thực tế, các bậc vĩ nhân luôn sống một cuộc sống giản dị nhất có thể, càng không coi đó là sự khổ cực hay nghèo nàn, mà là trong tâm biết đủ. 

Ngay bản thân Gia Cát Lượng cũng là một tấm gương điển hình cho điều này. Trước khi bước ra làm quan để phò tá Lưu Bị, ông sống ẩn cư trong túp lều cỏ ở Nam Dương, là một nông phu làm bạn với núi rừng, tĩnh lặng quan sát thế sự, cho đến khi cảm phục trước sự nhân nghĩa của Lưu Bị sau 3 lần đến lều cỏ thì ông mới rời đi.

Thứ 3: Chữ  “Chí”(3)

Ý chí là khả năng kiên định vào một sự việc, bảo trì nhiệt huyết, không nao núng không bỏ cuộc. Trong quá trình giữ vững ý chí, sẽ có thống khổ, sẽ muốn bỏ cuộc, sẽ thấy mệt mỏi, sẽ có đủ loại ý nghĩ khiến ta không thể tiếp tục kiên trì. Nếu như có thể kiên trì không từ bỏ, thì cho dù kết quả có như thế nào đi nữa, chỉ riêng loại tinh thần này đã là rất khó có được và thật là đáng quý rồi.

Trong hoàn cảnh thuận lợi, ý chí rất dễ yếu đi, vì vô số cám dỗ sẽ làm ta lóa mắt, chơi một chút, nghỉ một chút, lãng phí thời gian một chút, cứ vậy dần theo năm tháng ý chí cũng hao mòn; trong nghịch cảnh, ý chí cũng dễ yếu đi, vì trong cảnh tồi tệ, mỗi từng giây đều là thống khổ, từ bỏ thôi, để vậy được rồi, thời thời khắc khắc khiến con người ta ruột gan rối bời, cảm thấy khó mà sống dày vò, cứ như vậy trong thống khổ mà bỏ mặc không màng gì nữa.

Hai chữ “kiên trì” viết thì dễ nhưng làm được thì quá khó. Trong cuộc sống, nếu có thể bảo trì được ý chí mạnh mẽ, không chùn bước, kiên định nội tâm, không bị phù hoa dẫn động, không bị thất vọng làm nản lòng, kiên trì trước sau như một thì quả thực là vô cùng đáng quý.

Thành công trông thấy được sẽ luôn thôi thúc người ta tiếp tục nỗ lực, khiến người ta có nghị lực phấn đấu. Còn những việc không thấy kết quả kia, thử hỏi thế gian có mấy ai làm được kiên trì năm này qua năm khác, vĩnh viễn bảo trì nhiệt huyết thuở ban đầu? Người mang theo ý chí ấy, hỏi có việc gì không thể thành công? Kiên trì trong tầm thường, kiên trì trong vô vị, kiên trì trong chế nhạo, kiên trì trong trấn áp, kiên trì trong bức hại, ý chí này đủ để chấn động lòng người trong thiên hạ. Chỉ riêng sự kiên trì này cũng đã đủ khiến người ta khâm phục không thôi.

Thứ 4: Chữ “Học”

Gia Cát Lượng cũng khuyên rằng việc học tập và rèn luyện bản thân là rất quan trọng để phát triển tài năng. Ông cho rằng không nỗ lực học tập thì không thể phát triển tài trí, đồng thời cũng khuyến khích con tránh xa những thú vui thấp hèn và tập trung vào việc trau dồi kiến thức, bồi dưỡng phẩm hạnh và đức độ.

Những lời khuyên này không chỉ dành cho con trai của ông mà còn có giá trị cho mọi người, mọi thời đại. Chúng ta có thể học hỏi từ triết lý sống của Gia Cát Lượng để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, từ việc nuôi dạy con cái đến việc tự cải thiện và phát triển cá nhân.

Lời Kết

Những lời răn dành cho con trai của Gia Cát Lượng, sau gần hai ngàn năm, vẫn giữ nguyên giá trị và sức ảnh hưởng. Chúng không chỉ là di sản văn hóa mà còn là nguồn cảm hứng cho mọi người, mọi thời đại.

Chúng ta có thể học được từ ông cách giữ tâm hồn tĩnh lặng giữa cuộc sống bon chen, cách học tập và rèn luyện không ngừng để phát triển bản thân, và cách sống đó còn là một loại trí huệ. Những bài học này giúp chúng ta không chỉ trở thành người tốt hơn mà còn góp phần xây dựng một xã hội mạnh mẽ, bền vững, khi các giá trị truyền thống từ cổ nhân được coi trọng để dưỡng nhân dưỡng tâm với nội hàm sâu hơn rộng hơn.

Tư liệu:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Gia_C%C3%A1t_Chi%C3%AAm
https://cocamphuongbac.com/khuc-nhac-co-cam-cua-gia-cat-luong-duoi-15-van-dai-quan-tu-ma-y/
https://chanhkien.org/2021/01/y-chi.html

Đọc thêm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}