Nhiều người coi chơi game là thú vui, họ dành ra một chút thời gian trong ngày để chơi game. Trong khi người khác lại nói rằng chơi game là một thói quen không lành mạnh, là lãng phí thời gian, là “con nghiện game.
Thông thường những người phàn nàn là những bậc phụ huynh thấy con cái chơi game quá nhiều, hoặc là vợ (hoặc chồng) khi thấy “nửa kia” không dành thời gian cho họ.
Nhưng khi đôi bên ngồi lại và nói chuyện với nhau, thì “game thủ” lại nói rằng đó không phải là nghiện, mà đó là một thú vui, một sở thích, họ cho rằng nó không có gì nghiêm trọng.
Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích giữa “vui chơi” và “nghiện” để bạn có thể hiểu rõ. Game cũng có mặt tốt (nếu bạn biết vận dụng), quan trọng là cần tìm ra điểm “cân bằng”.
Chơi game là thú vui, hay là đang bị nghiện?

Một thú vui, sở thích là những điều mà bạn làm, bạn tận hưởng trong thời gian rảnh rỗi. Đó là thời gian mà bạn có sau khi bạn đã tận hết trách nghiệm với xã hội, với công việc, với người thân.
Còn khi bị “nghiện”, là khi bạn coi nó quan trọng hơn những điều khác.
Nếu chơi game chỉ là sở thích, thì đó là một thú vui mà bạn làm trong thời gian rảnh, và nó không có ảnh hưởng tới các khía cạnh khác của cuộc sống. Tức là bạn chỉ thưởng thức nó, chứ không bị nó kiểm soát.
Nhưng khi bạn “nghiện game”, [1] bạn sẽ nghĩ rằng game quan trọng hơn những điều khác trong cuộc sống. Vậy tức là sao? Hãy đọc tiếp nhé.
Ví dụ khi một người bị nghiện game

Nghiện game, tức là khi họ coi game quan trọng hơi những khía cạnh khác của cuộc sống.
Ví dụ như một học sinh vừa đi học về, anh ấy không quan tâm đến điều gì khác mà chỉ ngay lập tức chơi game, chứ không nghĩ đến việc làm bài tập.
Một dấu hiệu khác, nghiện game tức là chỉ chơi game thay vì tập thể dục, những người bị “nghiện” sẽ tìm cách để giảm đi các hoạt động ngoài trời, để chơi game. Nhiều người sẽ lý sự rằng game là “thể thao điện tử”.
Những người nghiện game thường thức khuya để chơi game, và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, và cuộc sống sinh hoạt.
Khi bị nghiện game, người ta sẽ ít quan tâm đến các mối quan hệ, nam giới bị nghiện game sẽ thường lạnh nhạt với vợ (hoặc người yêu).
Và nếu không được chơi game, thì họ sẽ cố gắng làm vội làm vàng cho xong công việc ở cơ quan, để nhanh chóng có thể về nhà để chơi game.
Dấu hiệu rõ ràng khi một người bị nghiện game

Một người nghiện game sẽ cố gắng giảm bớt các hoạt động trong cuộc sống, để có thể được chơi game nhiều hơn.
Khi bạn thấy bản thân có dấu hiệu này, thì bạn không phải là “chơi game cho vui”, mà chính là đã bị nghiện rồi nhé, đừng dối lòng nữa.
Thông thường người ta cứ biện hộ rằng họ chỉ chơi cho vui. Nhưng chơi vui tức là dùng thời gian rảnh để chơi. Còn nếu “cố ý” cắt giảm hoạt động sinh hoạt khác để có nhiều thời gian chơi game, thì tức là nghiện rồi.
Nhưng sẽ có người nghiện nặng, cũng có người bị nhẹ.
Ban đầu thì người ta đến với game chỉ bởi sự tò mò, nhưng hiếm có người khống chế được. Nó sẽ nặng dần nên theo năm.
Ở Nhật Bản đã xuất hiện trường hợp một số thanh niên trốn trong nhà và chơi game cả ngày, đóng cửa không gặp người khác, cơm nước đều do cha mẹ phục vụ… đó là bị nghiện nặng (nhưng phải nhiều năm với phát tác).
Làm sao để game trở thành một sở thích (chơi game không bị nghiện)

Vậy làm sao để chơi game cho vui, để nó không ảnh hưởng đến cuộc sống. Làm sao để có thời gian thư giãn với game, làm sao để khống chế nó thật vững để không bị nghiện?
Đó là đầu tiên bạn hãy làm những điều quan trọng xong trước, làm hết tất cả công việc thật tốt, như vậy thì bạn có thể chơi thoải mái mà không phải lo gì cả.
Nhưng nếu bạn không thể làm được, nếu bạn cứ ngồi chơi là quên hết thời gian, thì có lẽ đã đến lúc để “đánh bại game” và lấy lại sự kiểm soát cuộc sống. Bạn nên kiểm soát game, chứ không nên để nó “đè đầu cưỡi cổ” bạn.
Ý tôi không phải là bạn nên bỏ vĩnh viễn, mà tôi muốn bạn nên có được sự cân bằng.
Thay thế thói quen bằng một thói quen khác

Cách đơn giản để bỏ game, đó là thay thế nó bằng một sở thích khác.
Bạn có thể nuôi thú cưng, học võ, học đàn, đọc sách, đạp xe, cắm trại, ra công viên, tham dự sự kiện, tham gia các hoạt động tình nguyện, tập chạy bộ, học nấu ăn….
Có rất nhiều hoạt động thú vị mà bạn có thể thay thế cho game. Bạn cũng có thể đến thư viện, mua sắm, nghe podcast, câu cá, làm vườn…
Làm cho bản thân thật bận rộn [2] và dần dần bạn sẽ quên dần game. Bởi vì thực ra nó cũng không quan trọng, nó không nên, và không được phép chi phối bạn.
Còn có một cách rất hay đó là: hi sinh thời gian chơi game để thăng tiến trong công việc.
nghỉ chơi game để thăng tiến trong sự nghiệp

Có một cách rất hay, đó là thay vì đam mê game, bạn hãy đam mê công việc. Khi bạn hứng thú với công việc, bạn sẽ làm việc quên mệt mỏi, bạn sẽ thấy hạnh phúc khi được thăng tiến, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Nhưng nói thì dễ, làm thì khó. Nhiều người thấy chán ngán với công việc hiện tại, chỉ hận không thể “nhảy việc”, thì làm sao để đam mê được đây.
Vậy thì trong thời gian rỗi, bạn hãy học một kỹ năng khác, hãy làm thật nhiều, hãy thật cố gắng để kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp.
Bởi vì các bạn trẻ, bạn nên có một công việc tốt để cha mẹ có chỗ dựa khi về già, bạn cũng nên kiếm tiền để lo cho con cái… nếu bạn nghiện game thì hiệu suất công việc sẽ rất kém, vậy thì làm sao kiếm tiền được.
Vậy phải hi sinh thời gian chơi bời để tập trung cho sự nghiệp thôi.
Tham khảo:
1. https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/tai-sao-nguoi-ta-nghien-game.html
2. https://hellobacsi.com/tam-ly-tam-than/nghien/cach-cai-nghien-game/