Cập nhật: 20/12/2022

Đa số mọi người đều nghĩ rằng chơi game là lãng phí thời gian, là lười biếng. Những người không chơi game, đặc biệt là các bậc phụ huynh thường có cái nhìn rất tiêu cực về game. Vậy chơi game có làm người ta trở lên lười biếng và xấu xa hay không?

Đối với những game thủ thì họ lại nói khác, họ bảo rằng chơi game giúp tăng cường mức độ tập trung, tăng tính linh hoạt của não bộ, tăng cả năng tư duy, để họ có thể đạt được thành công trong học tập và trong cuộc sống.

Bài viết này sẽ phân tích về cả hai góc độ để các bạn có thể hiểu được về lợi ích, và rủi ro của việc chơi game.

Liệu chơi game có làm bạn lười biếng không?

Thể thao điện tử (game) cũng có một số tính chất giống các môn thể thao khác. Chỉ chơi cho vui thì cũng không ảnh hưởng mấy.

Nhưng nếu người ta chỉ chơi cho vui thì những nhà làm game họ sẽ không có lợi nhuận. Vậy nên những công ty game sẽ tìm mọi cách để tăng độ “nghiện” của game, mục đích là để họ kiếm nhiều tiền hơn.

Vào mấy chục năm trước, có lẽ chơi game chỉ để vui, mấy trò chơi thời đó hầu như không có tính gây nghiện, vậy nên chơi cũng không ảnh hưởng mấy, nó không dễ làm người ta lười biếng.

Nhưng thời hiện đại, game đã trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền. Các nhà làm game liên tục cho ra mắt những tính năng gây nghiện để lôi kéo game thủ, rất nhiều thanh niên bị nghiện mà họ còn không biết.

Họ dành nhiều thời gian vào game, mà bỏ qua nhiều hoạt động khác trong cuộc sống. Thay vì đi bộ, tập thể dục, giao lưu bạn bè, thì họ có thể dành hàng giờ đồng hồ để chơi game, gây ra ảnh hưởng rất tiêu cực.

Chơi game có kiểm soát có thể giúp giải trí?

Chơi game có kiểm soát, thì nó cũng giúp bạn giải trí, giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc. Lý thuyết thì như vậy.

Nhưng đằng sau một game, là những công ty, với những đội nhóm nhân viên liên tục hoạt động. Mục tiêu của họ là làm sao để có nhiều người chơi, để họ có nhiều tiền. Họ chẳng quan tâm gì đến game thủ cả.

Nhiều tựa game, họ viết rõ ràng là “chơi game quá 180 phút một ngày có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. Họ viết vậy để giảm khả năng bị pháp luật giòm ngó.

Cũng hệt như khi người ta đề trên bao thuốc lá rằng “hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”. Họ viết vậy để giảm tình trạng bị pháp luật chèn ép, chứ họ có muốn tốt cho người khác đâu. Phải bán được nhiều thì họ mới có tiền chứ.

Vậy nên, nếu bảo “chơi game có kiểm soát”, thì cũng khá giống như “hút thuốc lá có kiểm soát”. Nó đều gây hại cả, bỏ đi là tốt nhất.

Bạn hoàn toàn có thể dùng những phương pháp giải trí khác mà.

Game có cơ chế tạo sự sai lệch nhận thức

Khi bạn bỏ ra một chút nỗ lực nhỏ trong game, bạn sẽ nhanh chóng nhận được phần thưởng. Có thể là tăng cấp độ (level), nhận được trang bị mới, tăng cấp trên bảng xếp hạng. Nó làm người ta cảm thấy “sướng” ngay lập tức.

Với một số game, bạn còn thấy được thanh kinh nghiệm (exp), mỗi khi giết quái, thanh kinh nghiệm lại tăng một chút, nó làm bạn có cảm giác tiến bộ (ảo).

Nó làm bạn có cảm giác thành công (giả), khi bạn bỏ ra một chút nỗ lực, bạn ngay lập tức được phần thưởng, có cảm giác chiến thắng.

Nhưng ngoài đời thì khác, thế giới không hoạt động như vậy. Bạn thường phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực mới đạt được thành công, mà nhiều khi còn thất bại nữa.

Vậy nên người ta chỉ muốn chơi game cho “sướng”, còn cuộc đời với biết bao muộn phiền mệt mỏi làm họ chán ghét.

Ban đầu chỉ là chơi chút cho vui, nhưng dần dần bị lệ thuộc vào nó. Giống như ma túy, hút thử cho vui và rồi chả bỏ được.

Chơi game rất dễ dàng và tiện lợi

Ngày xưa, để tìm được một trò chơi cũng chả hề dễ dàng. Nhưng bây giờ, chỉ cần mở điện thoại ra là có hàng trăm nghìn trò chơi ở đó, sẵn sàng cho bạn bất kỳ lúc nào.

Trong khi những hoạt động trong cuộc sống lại không có sự thu hút bằng game. 

Chạy bộ ư? Đi dạo ư? Công viên hay nhà sách ư? Nó đâu thể cuốn hút bằng hàng nghìn trò game xịn trên điện thoại và máy tính.

Còn làm thêm công việc, học thêm kiến thức hay kỹ năng, học thêm tiếng Anh… nó không hề “vui” như khi chơi game. 

Công việc học tập phải trả qua nhiều bước, còn có cả áp lực tâm lý nữa. Trong khi với game thì chỉ cần lấy điện thoại ra và chơi.

Mà đó còn là những game đã được tối ưu để tăng khả năng gây nghiện, để kiếm được thật nhiều tiền từ người chơi.

Game là một nơi rất thoải mái khi thất bại

Nếu bạn chơi game thua, thì bạn chỉ cần chơi lại, nó chả mấy khó chịu. Còn trong cuộc sống thật sự, thì thất bại nó tạo áp lực nặng lề hơn nhiều.

Nếu bạn thất bại trong kỳ thi đại học, thì bạn đâu thể được “làm lại” bài thi đó, bạn đâu thể quay ngược thời gian.

Nếu bạn thất bại trong một công việc kinh doanh, thì vậy là xong rồi, mọi thứ đổ bể và bạn sẽ phải chịu trách nghiệm “trả nợ”. Không có cái nút “chơi lại”. Bạn sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn.

Còn khi chơi game online, nếu bạn làm mất lòng người chơi khác, bạn có thể tạo lại nhân vật mới, đổi tên mới, và sẽ chả ai biết bạn là ai.

Trong cuộc sống, nếu bạn làm mất lòng “sếp”, nó có thể ảnh hưởng đến sự thăng tiến của bạn trong tương lai. Nếu bạn làm mất lòng người thân, thì ngày nào trong nhà cũng là bầu không khí u ám. Nếu bạn làm mất lòng một người bạn, thì có thể bạn sẽ mất mối quan hệ đó vĩnh viễn.

Game tạo cho người ta cảm giác “không rủi ro”, vậy nên người ta khi dành nhiều thời gian cho game, họ sẽ mất động lực đối với những việc trong thế giới thực.

Gamer dễ hình thành thói quen thụ động

Khi một thói quen đã hình thành, thì rất khó thay đổi. Thói quen sẽ quay lại và điều khiển con người. Và thường là rất khó để thoát khỏi vòng lặp đó.

Bạn dành nhiều thời gian ngồi chơi game, thoải mái dựa lưng vào ghế… lâu dần nó sẽ hình thành một thói quen khó bỏ, nó có thể sẽ theo bạn cả đời.

Nếu bạn dành thời gian 3 giờ, 4 giờ, 8 giờ một ngày để ngồi đó. Thì cơ thể của bạn sẽ quen với tư thế đó.

Nhưng vậy, với những hoạt động trong cuộc sống khác, nó sẽ làm giảm động lực. Bạn sẽ mất động lực khi đi bộ, tập thể dụng, làm việc… Bạn sẽ không làm tốt những gì mà bạn nên làm.

Tột cùng của sự nghiện game

Ở bên Nhật bản đã có nhiều trường hợp mà các anh thanh niên không tìm được công việc ổn định, cả ngày chỉ chốn trong nhà chơi game. Việc cơm nước sinh hoạt hoàn toàn dựa vào cha mẹ già.

Có những người đã trên 30 tuổi, thậm chí là trên 40 tuổi, họ vẫn đóng cửa trong nhà cả ngày để chơi game. Họ muốn trốn tránh hiện thực tàn khốc, và áp lực nặng nề của cuộc sống.

Càng chơi càng nghiện, càng nghiện càng chơi. Hết game này đến game khác, liên tục liên tục. Dần dần tạo thành một vòng lặp không hồi kết.

Những lợi ích không thể chối cãi của game

Lợi ích lớn nhất là nó đem lại thu nhập khổng lồ cho nhà phát hành game, và các công ty sản xuất game.

Chơi game còn giúp cho ngành điện phát triển, và các công ty máy tính cũng bán được nhiều sản phẩm hơn.

Bản thân tôi là một người làm kinh doanh, đứng tại góc độ lợi nhuận mà nói thì game thật quá béo bở. Đặc biệt là những game trên điện thoại, không tốn nhiều công thiết kế như game máy tính, nhưng lợi nhuận cũng không phải dạng vừa.

Và những gamer, sẽ luôn là con mồi béo bở. 

Vậy nên một số công ty đã đưa ra những nghiên cứu khoa học chứng minh lợi ích của game như: 

  • Tăng cường khả năng tập trung (trong game)
  • Tăng khả năng giải quyết vấn đề (trong game)
  • Tăng linh hoạt của tay và mắt (trong game)

Đúng vậy, khi chơi game thì khả năng tập trung rất cao, ngồi thẳng lưng và cực kỳ nghiêm túc. Còn khi làm việc thì buồn ngủ, chỉ muốn nhanh chóng được thả về cho sớm. Vậy thì giám đốc có hài lòng với chất lượng công việc không?

Game thủ có thể tăng khả năng giải quyết vấn đề, nhưng chỉ khi họ chơi game thôi. Còn trong thực tiễn với những vấn đề trong cuộc sống, thì liệu họ có giải quyết tốt?

Khả năng linh hoạt của tay và mắt khi chơi game rất tốt, mắt rất nhạy, tay rất nhanh. Nhưng nếu chơi game quá lâu thì cận thị là điều khó tránh.

Bí quyết giúp cân bằng cuộc sống và game

Hạn chế thời gian chơi game, tăng thời gian tập thể dục, vận động ngoài trời. Dành nhiều thời gian cho công việc, học thêm kỹ năng mới, đi du lịch…

Mấy dòng trên ai cũng biết, nhưng không mấy ai làm được. Nhưng người làm được đa phần là những người thành công và có sự nghiệp tốt.

Nói thì dễ, làm mới khó…

Có một anh bạn kia, khi phát hiện ra mình nghiện game, anh ấy mang hết “bộ đồ nghề” chơi game lên trên gác mái. Lúc nào “thèm” quá thì sẽ phải lên gác, lấy đồ xuống, cắm dây điện vào…

Như vậy dần dần sẽ ít chơi, hoặc có thể bỏ được, bởi vì khi leo lên gác, lấy đồ nghề xuống, thì lúc đó cơn thèm đã qua đi.

Nếu bạn bị nghiện game (hoặc có người thân bị nghiệm) thì hãy thử phương pháp này nhé, đương nhiên nếu vẫn không được, thì hãy theo dõi website này, tôi sẽ giới thiệu cho bạn biện pháp mạnh tay hơn.

Đọc thêm:

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x