Xuân thu Chiến quốc (14) Yêu Ly hành thích Khánh Kỵ, trong một ngày mà mất đi hai dũng sĩ

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 21/04/2024
Danh mục: Huyền Sử

Khi đó Ngô vương Hạp Lư đăng cơ vương vị, lòng dân quy thuận, nhưng mối lo lớn nhất của ông chính là công tử Khánh Kỵ vẫn còn sống. Ông bèn thương lượng với Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư nói: “Nếu muốn giải quyết công tử Khánh Kỵ, thần tiến cử cho ngài một người”. Hạp Lư nói: “Lẽ nào lại có một dũng sĩ giống Chuyên Chư nữa sao?”. Ngũ Tử Tư nói: “Người này không phải có thân hình cao to, mặt mũi khôi ngô hay võ công cao cường gì cả. Đây chỉ là một người bình thường, tên là Yêu Ly. Người này tuy rằng võ công không quá cao, nhưng anh ta là người có đầu óc”. Hạp Lư nói: “Ngươi hãy dẫn đến để ta xem xem”. Thế là Ngũ Tử Tư dẫn Yêu Ly đến trước mặt Ngô Vương.

Ngô Vương vừa thấy Yêu Ly liền cảm thấy rất thất vọng. Thân hình của Yêu Ly cao chưa đến năm xích, chỉ bằng một nửa so với Ngũ Tử Tư, thắt lưng nhỏ như bó lại, chính là tấm lưng rất nhỏ, hoàn toàn không phải hình tượng “mình hổ lưng gấu”, nhìn rất khó coi. Khi đó, Hạp Lư nói nhỏ với Ngũ Tử Tư rằng: “Ngươi sao có thể tiến cử người như thế này? Khánh Kỵ gân cốt như sắt, vạn người khó địch, người nhỏ bé thế này làm sao có thể làm thích khách?”.

Ngũ Tử Tư tâu rằng: “Thần kể ngài nghe một câu chuyện, Đông Hải có một dũng sĩ tên là Tiêu Khâu Tố. Tiêu Khâu Tố khi ấy đang cho ngựa uống nước ở bờ sông, người khác nói với anh ta rằng dưới sông có Thủy Thần, hễ cho ngựa uống nước ở nơi này thì Thủy Thần nhảy ra, bắt ngựa ăn mất. Tiêu Khâu Tố nói: “Ta là một dũng sĩ, không ai dám mạo phạm ta”. Thế là anh ta không nghe khuyến cáo của người khác, kết quả ngựa anh ta thật sự bị một thứ gì đó dưới sông bắt đi. Tiêu Khâu Tố bèn mang theo bảo kiếm, nhảy xuống nước, cùng với Thần sông của con sông này mà quyết chiến. Trải qua thời gian ba ngày ba đêm, anh ta từ dưới sông nhảy vọt lên bờ. Khi đó, một con mắt của anh ta bị hỏng, con ngựa đó cũng không lấy lại được. Nhưng trong một lần có đại tiệc, anh ta lại lấy kinh nghiệm chiến đấu với Thần sông ra mà ngạo mạn trước tất cả mọi người”. 

Khi đó Yêu Ly cũng có mặt, anh chút bất bình trước vẻ mặt ba hoa của Tiêu Khâu Tố, Yêu Ly bèn nói: “Mất ba ngày ba đêm mà không cứu được ngựa của mình, lại còn mù một con mắt. Tôi cảm thấy anh là người vô dụng nhất ở trời đất này, làm sao có thể nhìn người khác được cơ chứ!”. 

Mọi người ngay lập tức im bắt. Khi đó, Tiêu Khâu Tố trầm mặt một lúc, rồi không nói câu nào, đứng lên xin lỗi mọi người rồi rời khỏi yến hội.

Yêu Ly về nhà nói với thê tử rằng: “Buổi tối hôm nay sẽ có người đến giết ta, bởi vì ta ở chốn đông người đã khiến Tiêu Khâu Tố không ngẩng đầu lên được”. 

Thế là Yêu Ly bèn mở rộng cửa nhà, cũng không thèm cài then cửa phòng ngủ, cứ nằm ở trên giường. Đến nửa đêm, Tiêu Khâu Tố thật sự đã đến, một mạch tiến đến trước giường của Yêu Ly, anh ta bừng bừng sát khí, rút kiếm đặt ngay lên cổ của Yêu Ly.

Tiêu Khâu Tố nói: “Ngươi đã làm ra ba chuyện đáng chết. Ngươi có biết không?”. 

Yêu Ly trả lời: “Ta không biết, mời anh nói cho”. 

Tiêu Khâu Tố nói: “Chuyện thứ nhất, ở nơi đông người mà vũ nhục ta. Chuyện thứ hai, ngươi về nhà mà lại không đóng cửa. Chuyện thứ ba, thấy ta đến lại mà không chạy”.

Yêu Ly nói: “Ta không có ba chuyện đáng chết, nhưng ta cảm thấy anh làm một việc rất không có tiền đồ. Việc thứ nhất, khi ta nói anh vô dụng, nếu anh có lý anh sẽ nói lại, nhưng một câu cũng không dám nói. Hiển nhiên là anh đuối lý nên mới phải bỏ đi. Việc thứ hai, vào nhà không báo chính là có tâm lén lút. Vào nhà ta ngay cả cửa cũng không gõ, cứ mở cửa mà tiến vào, cũng không có lễ độ. Nếu anh cho rằng mình là dũng sĩ, có thể bảo ta cùng quyết chiến với anh, nhưng anh không làm vậy. Sau khi anh rút kiếm kề vào cổ ta mới dám nói với ta, hiển nhiên là trong tâm của anh rất e sợ khiếp đảm. Đây là ba việc anh làm mà không có tiền đồ chút nào”. 

Tiêu Khâu Tố giật mình tỉnh ngộ, nói rằng: “Ôi chao! Tôi luôn cho rằng mình là một dũng sĩ, không ngờ rằng thế gian còn có người dũng cảm hơn tôi”. 

Bỏ kiếm ra khỏi cổ của Yêu Ly, Tiêu Khâu Tố thẫn thờ một hồi lâu, rồi mới trầm mặt nói rằng: “Tôi không còn mặt mũi nào để sống nữa”. Thế là anh ta bèn đâm đầu vào cột mà chết. 

Yêu Ly chính là người mà Ngũ Tử Tư tiến cử cho Hạp Lư. 

Yêu Ly nói với Hạp Lư rằng: “Nếu muốn hành thích Khánh Kỵ, chúng ta phải nghĩ cách tiếp cận hắn. Tôi có một chủ ý. Ngài hãy chặt đi tay phải của tôi, đem toàn bộ thê tử của tôi giết đi. Chính là giả như tôi đã đắc tội với ngài. Sau đó tôi sẽ đến nương nhờ công tử Khánh Kỵ. Như thế công tử Khánh Kỵ mới tin tưởng tôi”. 

Chao ôi, khổ nhục kế này quả thực rất tàn độc. Hạp Lư quả thật đã sát hại toàn bộ thê tử của Yêu Ly. Lúc này Yêu Ly đã mất tay phải, đành chạy tới để nương nhờ Khánh Kỵ.

Khánh Kỵ ban đầu không tin Yêu Ly, lại phái người đi điều tra. Sau khi biết việc này là hoàn toàn có thật, bèn cho Yêu Ly đi theo bên mình. Một người chỉ cao năm xích như Yêu Ly, Khánh Kỵ cảm thấy làm không thành việc gì lớn. 

Khi đó, công tử Khánh Kỵ đang ở nước Vệ, đô thành của nước Vệ ở Triều Ca, hiện tại là huyện Hoạt, tỉnh Hà Nam. Khánh Kỵ mang theo binh sĩ nước Vệ tiến đến nước Ngô, chuẩn bị báo thù, Yêu Ly đứng ở phía trước anh ta. Khi đó đang ở trên dòng sông lớn, Yêu Ly nói với Khánh Kỵ rằng: “Công tử nên ngồi ở trước mũi mà điều phối các thuyền. Thế là Khánh Kỵ ngồi ở trước thuyền để chỉ huy. Yêu Ly cầm một cây mâu, đứng ngay sau Khánh Kỵ.

Đột nhiên khi thuyền đang ở giữa dòng, mặt sông bỗng nổi một trận gió to, thổi mạnh đến mức Khánh Kỵ không mở mắt nổi. Khi đó, Yêu Ly vẫn đứng đằng sau Khánh Kỵ. Khi Khánh Kỵ quay người lại thì Yêu Ly lập tức lấy mâu đâm xuyên vào tim của Khánh Kỵ, từ trước ngực đâm xuyên qua sau lưng. Khi Khánh Kỵ mở mắt thì đã biết mình không có cách nào sống sót.

Nhưng Khánh Kỵ vốn có sức mạnh phi thường, Khánh Kỵ lập tức tóm lấy Yêu Ly, từ mũi thuyền mà nhấn xuống nước, tổng cộng ba lần, sau đó đặt Yêu Ly trên đầu gối của mình.

Khánh Kỵ cười nói sang sảng: “Ta đây tự cho mình là dũng sĩ, thế mà ngươi còn dám đến giết ta. Trên đời này còn có kẻ dũng cảm hơn ta sao?”. 

Sau đó, Khánh Kỵ bèn quay lại nói với tả hữu xung quanh: “Hôm nay ta chắc khó sống, nhưng đừng để chỉ trong một ngày mà thiên hạ mất đi hai dũng sĩ. Yêu Ly là người dũng cảm, sau khi ta chết, các ngươi hãy thả hắn đi”. 

Nói xong, Khánh Kỵ bình tĩnh rút cây giáo từ ngực ra, máu tươi phun ra như rót nước, không lâu sau thì qua đời. Sau khi Khánh Kỵ qua đời, bọn tả hữu xung quanh thực sự tuân theo di nguyện của chủ nhân, thực sự đã thả Yêu Ly đi. 

Nhưng Yêu Ly nói: “Ta đã làm ba việc đại bất nghĩa. Thứ nhất là đã nương nhờ Khánh Kỵ, rồi thích sát người ta, đây là bất trung. Thứ hai là thê tử không có tội, nhưng vì ta làm việc này mà chết, đây là bất nghĩa. Thứ ba là vì làm việc này, ta đã cho Ngô Vương chặt một cánh tay, đây là bất trí. Cho nên ta không muốn lại sống trên cõi đời này nữa”. Sau đó, Yêu Ly nhảy xuống nước tự vẫn.

Việc Yêu Ly thích sát Khánh Kỵ không có ghi chép trong “Sử ký”, nhưng trong chương “Nguỵ sách” của “Chiến quốc sách” có ghi lại. Các học giả thời tiên Tần cũng đề cập qua việc Yêu Ly giết thê tử để hành thích Khánh Kỵ, nhưng không giảng tường tận. Tuy nhiên, trong “Đông Chu liệt quốc chí” lại viết rất tường tận. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, có một chương chuyên nói về thích khách, gọi là “Thích khách liệt truyện”. Chuyên Chư trong “Thích khách liệt truyện” xếp hạng hai. Nhưng sự tích Yêu Ly thích sát Khánh Kỵ thì không có trong “Thích khách liệt truyện”, có thể là vì kế sách của Yêu Ly quá tàn độc, tàn độc đến mức mà người ta không muốn nhắc đến.

Trở lại với nước Ngô, khi này Ngô Vương Hạp Lư đã giải quyết tận gốc vấn đề Khánh Kỵ, thành trì cũng đã sửa sang xong. Hạp Lư lại cứu tế bách tính, an định lòng dân, chính quyền của ông đã rất ổn định, không còn ai trong nước có thể khiêu chiến với ông. Ngũ Tử Tư lập được công lao to lớn, cho rằng đây là lúc thích hợp nhất để thỉnh cầu Hạp Lư phái binh giúp mình báo thù.

Hạp Lư nói: “Ta cũng muốn giúp ngươi báo thù, nhưng đánh Sở là một việc rất nguy hiểm. Ta cần một đại tướng đủ tài cầm quân, bách chiến bách thắng, có đủ tài hoa và thao lược. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể tiêu diệt được nước Sở”. 

Về năng lực dẫn binh của Ngũ Tử Tư và Bá Bĩ, trong tâm Ngô Vương Hạp Lư hiển nhiên chưa hoàn toàn tín nhiệm. Ngũ Tử Tư bèn tâu với Ngô Vương Hạp Lư rằng: “Thần biết một người, người này trong lòng chứa đựng xảo diệu của trời đất, có kế sách quỷ Thần khó đoán, chỉ cần ông ta cầm binh đánh trận, đánh Sở tất thắng”. Vậy thì Ngũ Tử Tư sẽ tiến cử ai, chúng tôi sẽ kể tiếp câu chuyện trong phần tiếp theo. Cảm ơn các bạn đã theo dõi video này, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}