Xuân thu Chiến quốc (15) Sự xuất hiện của Tôn Vũ – Thủy tổ của binh gia

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 21/04/2024
Danh mục: Huyền Sử

Ngũ Tử Tư tiến cử Chuyên Chư để hành thích Ngô Vương Liêu, rồi lại tiến cử Yêu Ly để thích sát Khánh Kỵ, ông giúp nước Ngô quy hoạch xây dựng thành Tô Châu, giúp Ngô quốc nước giàu binh mạnh. Lúc này, Ngũ Tử Tư đã có đủ thực lực. ông mới nghĩ đến chuyện thỉnh nhờ Ngô Vương Hạp Lư thay ông xuất binh báo thù, tiêu diệt nước Sở.

Nhưng Ngô Vương có điều e ngại, chính là vì nước Sở là quốc gia lớn mạnh, đất rộng người đông, binh tướng không ít. Nếu khai chiến mà lại không thể đánh thắng, thì đối với nước Ngô sẽ là rất nhiều nguy hiểm. Cho nên, phải tìm được một tướng quân bách chiến bách thắng thì mới yên tâm phát binh. Thế là Ngũ Tử Tư thêm một lần nữa tiến cử nhân tài là Tôn Vũ, người này được gọi là thủy tổ của Binh gia. Tôn Vũ còn để lại một bộ sách lưu danh hậu thế, lưu truyền thiên cổ, đó là “Tôn Tử binh pháp”.

Văn hóa Trung Quốc lấy văn hoá Đạo gia làm khởi đầu. Rất nhiều người Trung Quốc đều nói, văn hóa Đạo gia là “Hoàng Lão chi học”. Vì sao gọi là “Hoàng Lão chi học”? Có một cách giải thích, nói “Hoàng” chính là chỉ Hiên Viên Hoàng Đế, “Lão” chính là chỉ Lão Tử. 

Hiên Viên Hoàng Đế chính là “sơ tổ của dân tộc”, vì vậy văn minh Trung Quốc buổi đầu chính là văn minh Đạo gia. Sau Công nguyên, những năm đầu thời Đông Hán, đến thời vua Hán Minh Đế, văn hóa Phật gia mới chính thức truyền nhập vào Trung Quốc. Sau này, thời Nam Bắc triều và Tùy Đường, văn hóa Phật gia đạt đến một thời kỳ cực thịnh. Nhưng trước đây, Trung Quốc thời Chư tử bách gia có lẽ đều tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của Đạo gia, ví như Nho gia, Binh gia, Pháp gia…

Trong “Đạo đức kinh” của Lão Tử có một câu là “lấy chính trị quốc, lấy kỳ dùng binh”. Có nghĩa là: khi quản lý quốc gia, nhất định phải đi con đường chính, khi đánh trận, ắt phải vận dụng kỳ mưu, xuất kỳ binh. Tức là sử dụng mưu lạ, xuất binh đánh bất ngờ. 

Còn có một điều ảnh hưởng đến Trung Quốc rất lớn, chính là Pháp gia. Pháp gia trên thực tế là lấy Đạo gia phản đảo lại rồi dùng, cho nên nói Pháp gia là ngược với Đạo gia. Người ta thường nói “kế lạ của Binh gia, mưu lạ của Pháp gia”. Vận dụng khi đánh trận thì dùng kỳ mưu, xuất kỳ binh, dùng binh không ngại dối trá, thắng vì bất ngờ, đều có thể lý giải được. Nhưng khi một quốc gia đang thời bình, lại không thể dùng kế lạ được, cho nên một bộ những điều của Pháp gia có thể được gọi là quỷ mưu, tức là mưu lược xảo quyệt. 

Học thuyết của Chư tử bách gia đều chịu nhận ảnh hưởng sâu sắc của Đạo gia. Nho gia phù hợp với tư tưởng “lấy chính nghĩa trị quốc gia” của Đạo gia. Binh gia phù hợp với tư tưởng “lấy kỳ dùng binh” của Đạo gia. Pháp gia thì dùng dùng hết quỷ kế và quyền mưu để xử lý công việc chính trị, đây là đi ngược lại đạo đức. Người xưa thấy rằng, làm tướng quân là có ước thúc đạo đức. Tư Mã Thiên trong “Thái sử công tự tự” có nói: “Không có tín, liêm, nhân, dũng, thì không thể đàm binh và luận kiếm”. Cũng chính là nói, nếu một người không hiểu thế nào là tín nghĩa, liêm khiết, nhân từ và dũng cảm, thì không thể đàm luận binh pháp và kiếm thuật. 

Rất nhiều người hiện đại cảm thấy nhà quân sự nên phải là “máu lạnh”, lại còn phải rất uy phong, một tiếng hạ lệnh khiến núi cao phải đổ, một cái huơ tay là ngàn thuyền xuất phát, khiến kẻ địch phải đầu hàng thất bại, thích thú cảnh đầu rơi đầy đất, xem đó là cảm giác thành tựu của nhà quân sự. Cho nên, rất nhiều người ngày nay cho rằng khi đánh trận là không cần vạch giới hạn, dùng quỷ kế cũng được, miễn thắng là được.

Thời gian gần đây, ở Trung Quốc có một cuốn sách tên là “Siêu hạng chiến”, chính là nói: khi đánh trận có thể không cần vạch giới hạn, chỉ cần thắng là được, dùng kế gian trá hiểm độc gì thì cũng được.

Tuy nhiên, nếu bạn đã xem “Tôn Tử binh pháp”, thì bạn sẽ thấy Tôn Tử là một chuyên gia quân sự tài ba, nhưng ông lại hết sức tránh việc động binh đao, mà trong cuộc chiến cũng là hết sức tránh việc giết chóc. Chính là rất phù hợp với một câu trong “Đạo đức kinh” của Lão Tử “Động binh là việc không lành, không phải khí độ của người quân tử, bất đắc dĩ mới dùng”. 

Chương đầu tiên của Tôn Tử binh pháp là “Thủy kế thiên”, Tôn Tử giảng làm thế nào dùng mưu kế để kết thúc chiến tranh nhanh nhất, giảm thiểu giết chóc. Trong “Thủy kế thiên”, phần đầu tiên Tôn Tử viết là: “Việc binh là đại sự quốc gia, là đường sinh tử, nên không thể không suy xét kỹ”. Chiến tranh liên quan đến chuyện đại sự của quốc gia, cũng liên quan đến sinh tử rất nhiều người, nhất định phải cẩn thận. 

Trong “Hỏa công thiên”, Tôn Tử còn nói một câu như thế này: “Vua không thể giận mà đem quân đi đánh, tướng không thể tức mà tấn công. Giận có thể mừng lại, tức có thể vui lại, nhưng mất nước thì không thể khôi phục lại, người chết không thể sống lại. Cho nên, minh quân cẩn thận, hiền tướng cảnh giác. Đây là đạo an định nước, bảo toàn quân”. 

Tôn Tử phản đối giết chóc trong chiến tranh, ông viết rằng: “Không chiến mà khuất phục được người”. Đương nhiên, Tôn Tử binh pháp liên quan đến chiến tranh, trong sách ông cũng phải đề cập đến rất nhiều quy luật liên quan đến chiến tranh. 

Trong “Hư thực thiên” của Tôn Tử binh pháp có một đoạn thế này: “Dùng binh giống nước, nước chảy tránh chỗ cao mà hướng về chỗ thấp, dùng binh tránh chỗ thực mà đánh vào chỗ hư. Tức là tránh chỗ mạnh mà đánh vào chỗ yếu của địch. Nước theo thế đất mà chảy, dùng binh theo tình hình địch mà giành chiến thắng. Cho nên, dùng binh là không cố định, nước không có hình, có thể vì địch mà biến hoá nên giành thắng lợi vậy, cũng gọi là thần kỳ”. 

Tôn Tử là nhà quân sự lừng lẫy, ông nắm vững toàn bộ quy luật chiến tranh, nhưng ông lại không phải là người máu lạnh, mà ông lại ôm giữ một cái tâm nhân từ. Tôn Tử luôn cho rằng dùng binh là chuyện chẳng lành, thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng thôi, mà khi dùng cũng là phải tìm cách để đánh nhanh thắng nhanh, kết thúc chiến tranh thật nhanh để giảm áp lực cho bách tích, giảm thiếu tổn thất về nhân mạng. Người mà Ngũ Tử Tư tiến cử cho Ngô Vương Hạp Lư là một nhà quân sự đại tài như thế. 

Vậy Tôn Vũ đã phát huy tài năng quân sự của mình như thế nào, chúng tôi sẽ kể tiếp câu chuyện trong phần tiếp theo. Cảm ơn các bạn đã theo dõi video này, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}