Người phương Tây có một câu nói phổ biến: The early bird catches the worm – Chim sớm thì bắt được sâu.
Điều này nghĩa là khi bạn thức dậy sớm thì sẽ thực hiện được điều bạn muốn dễ dàng.
Đặt báo thức để mở mắt sớm vào buổi sáng là một thói quen vô cùng có lợi.
Sau đây tôi sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của việc dậy sớm, và những cách để dậy sớm hơn.
Tầm quan trọng của việc dậy sớm
Tôi là một người gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề dậy sớm.
Công việc của tôi là kinh doanh online, công việc này cho phép tôi làm việc ở bất kỳ thời gian nào mình thích, không bị gò bó bởi thời gian, không gian.
Đó là một thế mạnh rất lớn, nhưng cũng đồng thời là nhược điểm chí mạng.
Đã có rất nhiều ngày, tôi thức trắng cả đêm, và ngủ nguyên cả ngày.
Chẳng có ông sếp nào bắt tôi phải dậy sớm cả, công việc cho phép tôi tự do quản lý cuộc đời mình.
Nhưng những ngày như vậy, tôi cảm thấy choáng váng kinh khủng, khó chịu và làm việc rất khó tập trung.
Vậy nên tôi phải quyết tâm rèn luyện thói quen dậy sớm, và đi ngủ đúng giờ. Không còn lựa chọn nào khác.
Trước khi đi sâu vào những cách để giúp bạn dậy sớm, thì tôi muốn cho bạn biết tầm quan trọng và lợi ích của việc dậy sớm.
Từ đó, bạn sẽ có thêm động lực và quyết tâm hơn để bắt đầu hành trình dậy sớm của mình.
Vậy, dậy sớm có lợi ích gì?

Thức dậy sớm giúp nâng cao kỹ năng quản lý thời gian
Nếu bạn chỉ dậy sớm hơn một giờ vào mỗi buổi sáng, bạn sẽ có được 15 ngày trong một năm.
Bất ngờ quá phải không?
Tôi tin bạn cũng như tôi, có rất nhiều thứ muốn đạt được. Vì vậy chúng ta không nên lãng phí quá nhiều thời gian trong cuộc đời chỉ để ngủ.
Trong một tập thể ở công ty, những người dậy sớm thường đi trước một bước.
Họ có thêm thời gian để tổng kết công việc đã làm, lên danh sách công việc ngày mới, trong khi những người khác còn đang vội vã đến văn phòng.
Khi thức dậy sớm, bạn có nhiều thời gian hơn cho việc lập kế hoạch, tư duy chiến lược và sắp xếp công việc.
Bạn sẽ thấy mình ít lãng phí thời gian hơn vì việc mắc kẹt giữa dòng xe cộ đông nghịt hay chờ đợi đến lượt vào thang máy.
Khi nhận ra những điều này, bạn sẽ thấy “Dậy sớm sẽ không phải vội vã, còn dậy muộn sẽ phải vật lộn với số phận”.
Thức dậy sớm giúp bạn hình thành những thói quen tốt
Thức dậy sớm có nghĩa là bạn có thời gian thong thả thưởng thức một bữa sáng lành mạnh.
Nếu bạn bỏ qua bữa ăn quan trọng này hoặc chỉ dùng các loại thực phẩm thức ăn nhanh sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Ngoài ra khi thức dậy sớm, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để thực hiện quy trình chăm sóc bản thân đúng cách, chuẩn bị trang phục để đi làm cho chỉn chu hơn.
Hơn nữa, buổi sáng là thời gian tuyệt vời để tập thể dục. Nó giúp bạn chuẩn bị cho một ngày mới với năng lượng tràn đầy, tập trung và nhiệt huyết.
Một số buổi sáng khi tôi bắt đầu chạy bộ, tôi cảm thấy mình giàu năng lượng và tự tin hơn rất nhiều.
Tập thể dục vào buổi sáng sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và là bước đệm đưa bạn đến gần thành công hơn.
Dậy sớm sẽ nâng cao chất lượng giấc ngủ của bạn
Những người dậy sớm thường tuân theo một lịch trình ngủ đều đặn. Nếu muốn dậy sớm, bạn cũng cần ngủ đúng giờ.
Bạn nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, bởi vì điều đó sẽ rất có ích cho cơ chế đồng hồ sinh học.
Ví dụ: Nếu bạn đi ngủ muộn và thức dậy muộn vào cuối tuần, cơ thể bạn sẽ khó điều chỉnh để có thể tự động dậy sớm hơn vào các ngày trong tuần.
Vì vậy, nếu bạn duy trì được giờ giấc nghỉ ngơi nhất quán mỗi ngày, cơ thể bạn sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Từ đó, chất lượng giấc ngủ và tinh thần cũng được nâng cao đáng kể.
Thói quen dậy sớm mang đến cho bạn cuộc sống tinh thần lành mạnh và tràn đầy hạnh phúc
Trước hết là không khí vào buổi sáng rất trong lành và cực kỳ yên tĩnh, không có những âm thanh huyên náo của cuộc sống.
Điều này sẽ cho phép bạn tận hưởng khoảng thời gian hoàn toàn tĩnh lặng, để bạn trở về với chính mình, sắp xếp suy nghĩ về cuộc sống.
Đây là lúc lý tưởng nhất để đưa ra những quyết định sáng suốt trong công việc.
Thói quen dậy sớm giúp bạn giảm căng thẳng và hoàn thành công việc mà không phải mất thêm thời gian hoặc bất kỳ áp lực nào.
Những người thức dậy sớm có suy nghĩ tích cực hơn so với những người chưa tập được thói quen này.
Họ được cho là lạc quan, dễ chịu, tận tâm và hài lòng với cuộc sống.
Phụ nữ dậy sớm cũng ít có nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh như trầm cảm hoặc lo lắng.
Aristoteles là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại đã từng nói, “Nên thức dậy trước khi trời sáng, vì những thói quen như vậy góp phần tạo nên sức khỏe, sự giàu có và trí tuệ.”
Vậy bạn sẽ lựa chọn dậy sớm vào buổi sáng hay tiếp tục ngủ nướng?
Đương nhiên là phải dậy sớm rồi.
Chúng ta cần ngủ bao lâu để có giấc ngủ chất lượng?
Nhóm tuổi | Thời gian ngủ cần thiết |
4 tháng – 12 tháng tuổi | 12 – 16 giờ một ngày |
1 tuổi – 2 tuổi | 11 – 14 giờ một ngày |
3 tuổi – 5 tuổi | 10 – 13 giờ một ngày |
6 tuổi – 12 tuổi | 9 – 12 giờ một ngày |
13 tuổi – 18 tuổi | 8 – 10 giờ một ngày |
Người trưởng thành | Khoảng 7 giờ trở lên |
Theo một báo cáo từ mayoclinic, người lớn cần ngủ khoảng 7 giờ một ngày.
Như vậy, cả cơ thể và tâm trí của bạn sẽ có đủ thời gian để tự phục hồi, giúp cơ thể và tinh thần khỏe mạnh hơn.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên thậm chí còn cần ngủ nhiều hơn để tăng trưởng và phát triển.
Những người trên 65 tuổi cũng nên ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.
Vì vậy nếu bạn muốn rời khỏi giường trước 7 giờ sáng, thì bạn cần phải đi ngủ sớm để đảm bảo có một giấc ngủ chất lượng.

Làm thế nào để thức dậy sớm?
Khi bắt đầu, bạn sẽ khó thức dậy sớm vào buổi sáng, vì ý nghĩ ngủ nướng thường là lựa chọn hấp dẫn hơn nhiều.
Tuy nhiên, bạn hãy nghĩ rằng việc dậy sớm sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho sức khỏe.
Dậy sớm sẽ giúp bạn có khả năng tập trung tốt hơn, chất lượng giấc ngủ được cải thiện, năng lượng kéo dài, năng suất làm việc được nâng cao và còn nhiều hơn thế nữa.
Thức dậy sớm đòi hỏi sự cam kết. Nếu bạn quyết tâm, thì một người dậy muộn nhất có thể trở thành một người dậy sớm với 100% năng lượng.
Dưới đây là một số mẹo “bỏ túi” đơn giản mang đến bạn cách để dậy sớm:
Bắt đầu tạo thói quen dậy sớm từng bước một
Hầu hết tất cả các thói quen đều được xây dựng thông qua một quá trình chậm mà chắc.
Khi bạn cần hoàn thành điều gì đó mà bạn chưa từng làm, thì bạn cần thời gian để thích nghi với sự thay đổi.
Học cách dậy sớm cũng như vậy. Hãy thực hiện những thay đổi từ nhỏ đến lớn dần.
Như vậy khả năng bạn hoàn thành thói quen sẽ khả thi và có nhiều cơ hội thành công hơn.
Ví dụ:
Giả sử bạn đang có thói quen thức dậy vào khoảng 06:00 sáng mỗi ngày. Mục tiêu của bạn là thức dậy lúc 4:30 sáng.
Sự khác biệt giữa thời gian thực tế hiện tại của bạn và thời gian mong muốn là 1.5 giờ.
Đây là một chênh lệch đáng kể!
Nếu ngay lập tức bạn bắt cơ thể bạn thích nghi với sự khác biệt lớn như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải và cảm thấy thiếu ngủ.
Cách thực hiện tốt hơn là hãy tập thức dậy sớm hơn 15 phút mỗi ngày, sau đó là 30 phút… cho đến khi đạt được mục tiêu mong muốn.
Trung bình, chúng ta mất từ 30 – 60 ngày để cơ thể hoàn toàn thích nghi với một chu kỳ ngủ mới.
Vì vậy không có lý do gì để bạn phải vội vàng.
“Dục tốc thì bất đạt”, hãy luôn nhớ điều này khi bạn muốn hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào trong cuộc sống.
Thiết lập chu kỳ ngủ đều đặn
Để có thể dậy sớm thì bạn phải ngủ đúng giờ.
Ngủ và thức dậy đều đặn đúng giờ là cực kỳ có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Vậy cần làm sao?
Bạn cần hẹn báo thức để ngủ.
Đúng vậy đấy, không chỉ báo thức để dậy sớm, mà còn cần hẹn báo thức để ngủ đúng giờ.
Ngoài ta, khi đặt lịch ngủ, bạn phải chọn một thời gian phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Ví dụ: nếu bạn thuê chung phòng với một hoặc nhiều người khác, bạn khó có thể đặt giờ đi ngủ vào thời gian mà mọi người vẫn còn thức.
Hãy nhớ rằng, mục đích của việc thiết lập chu kỳ ngủ đều đặn là tập cho cơ thể bạn quen với khung giờ bạn muốn.
Hạn chế đồ ăn vặt, đồ uống có gas, đường, nồng độ cồn vào ban đêm
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn vặt gần giờ đi ngủ có thể giúp giảm cơn đói xuất hiện ban đêm.
Trong khi những nghiên cứu khác lại cho thấy thói quen này có thể gây ra các triệu chứng không tốt cho sức khỏe như trào ngược axit.
Thay vào đó, bạn nên bỏ đồ ăn nhẹ vào ban đêm và dành cảm giác thèm ăn này cho bữa sáng quan trọng.
Nước tăng lực và cà phê có thể giúp chúng ta tăng cường khả năng học tập, nhưng nếu uống nhiều đường hoặc chất caffein vào buổi tối sẽ làm bạn khó ngủ hơn.
Hãy hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, nước tăng lực và cà phê. Nên sử dụng chúng ở mức độ vừa phải.
Hãy thử chuyển sang uống nước lọc trước khi đi ngủ để giữ cho cơ thể đủ nước.
Bạn sẽ thấy điều này mang lại khác biệt rõ rệt cho da và sức khỏe sau một thời gian.
Đặt đồng hồ báo thức xa giường
Để tránh việc quay trở lại với chiếc giường êm ái sau khi tắt báo thức, chúng ta hãy đặt điện thoại hoặc đồng hồ báo thức ở một nơi xa giường.
Bằng cách này, khi chuông báo thức kêu, bạn sẽ buộc phải ra khỏi giường để tắt tiếng.
Không có sự cám dỗ của chiếc giường thân quen, bạn sẽ có quyết tâm thức dậy ngay lập tức.
“Hãy đặt ra cam kết cho chính bản thân khi quyết tâm luyện tập dậy sớm”
Rời khỏi giường ngay khi thức dậy
Các nhà nghiên cứu về chất lượng giấc ngủ khuyên chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian trên giường sau khi thức dậy.
Vì sao vậy? Nguyên nhân là chúng ta không muốn bộ não liên kết chiếc giường với những việc mình làm trong ngày.
Điều này sẽ làm giảm sự tập trung và năng lượng tích cực, khiến bạn tụt giảm sự chăm chỉ.
Không dễ dàng khi luyện tập dậy sớm. Tuy nhiên, bạn càng dành ít thời gian ngồi trên giường, bạn càng kiên định hơn trong việc hình thành thói quen thức dậy sớm.
Đặc biệt là những bạn nào cứ dậy là cầm điện thoại lướt Facebook, thả thính, đọc tin tức mãi rồi mới xuống giường.
Hãy bỏ thói quen đó nhé, như vậy sẽ rất có hại cho tinh thần và cơ thể.
Tăng chất lượng giấc ngủ để hình thành thói quen dậy sớm
Để có thể dậy sớm, thì bạn cần tăng chất lượng giấc ngủ. Để khi thức dậy bạn có cảm giác tỉnh táo.
Có nhiều yếu tố làm bạn khó ngủ, mất ngủ: từ căng thẳng trong công việc và trách nhiệm gia đình cho đến những phát sinh bất ngờ trong cuộc sống, chẳng hạn như bệnh tật.
Thật dễ hiểu khi nhiều người khó ngủ trong xã hội bề bộn lo toan ngày nay.
Mặc dù chúng ta chưa thể kiểm soát được 100% các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mình, nhưng bạn có thể áp dụng các thói quen hỗ trợ chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Hãy thử bắt đầu với những mẹo đơn giản sau:
Hoạt động giãn cơ giúp cơ thể sẵn sàng đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn
Hoạt động giãn cơ đã được chứng minh là góp phần cải thiện sức khỏe chung ở mọi lứa tuổi.
Những người bắt đầu tập luyện khi còn trẻ sẽ duy trì cơ thể khỏe mạnh về lâu dài.
Giãn cơ không phức tạp, dễ thực hiện. Bạn có thể biến nó thành thói quen thì cũng sẽ mang lại hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là khi chúng ta dần lớn tuổi.
Thiền định là phương pháp hiệu quả cao mang đến một giấc ngủ ngon
Thiền định là hoạt động được khuyến khích cho những người khó ngủ.
Hầu hết người bị khó ngủ bắt nguồn từ việc bị áp lực thời gian dài, căng thẳng cao,
Những vấn đề này điều có thể được giải tỏa bằng thiền định.
Ngay cả khi không gặp khó khăn trong việc đi ngủ sớm, thì một buổi thiền 20 phút trước khi ngủ cũng là một thói quen tuyệt vời tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn.
Ngoài việc giảm căng thẳng, thiền định đòi hỏi bạn phải tập trung cao độ vào hơi thở, đây là một mẹo mà nhiều chuyên gia trị liệu đã đưa ra lời khuyên:
Hít thở chậm và sâu, trong ít nhất mười phút.
Hành động này báo hiệu cho não bộ của bạn rằng đã đến lúc thư giãn và sẵn sàng nghỉ ngơi.
Từ đó, bạn sẽ dễ dàng tìm đến giấc ngủ một cách tự nhiên.

Rời xa thiết bị công nghệ để đi vào giấc ngủ tốt hơn
Hãy nói “tạm biệt” với điện thoại và máy tính khoảng 30 phút trước khi đi ngủ để có một đêm ngon giấc hơn.
Theo các nghiên cứu, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình thiết bị công nghệ có thể làm thay đổi mức melatonin tự nhiên của cơ thể.
Chúng khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.
Đi ngủ sớm mà không có sự ảnh hưởng của công nghệ sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng hơn vào ngày hôm sau.
Uống trà thảo mộc giúp cơ thể thư thái
Trà thảo mộc hay trà hoa cúc có thể giúp cơ thể bạn thư giãn.
Bạn có thể uống một cốc trà hoa cúc nhỏ vào khoảng một tiếng trước khi ngủ và tận hưởng làn nước trà ấm áp từ từ lan khắp cơ thể,
Chúng giúp bạn thư giãn toàn thân và đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng.
Dùng đèn ngủ có ánh sáng ấm áp
Những luồng ánh sáng ấm áp như vàng nhạt, cam nhạt, đỏ nhạt sẽ tạo cảm giác thư giãn vào buổi tối, sẵn sàng cho giấc ngủ.
Vì vậy, trước khi ngủ khoảng 1 tiếng, bạn có thể tắt các loại đèn ánh sáng trắng và xanh đi, chỉ bật đèn có ánh sáng ấm nhằm “đánh lừa” cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi.
Bảo vệ cho ngôi nhà của bạn
Đối với tôi, thì tôi muốn cái cảm giác an toàn để có thể ngủ thoải mái.
Nếu trong tâm cứ lo lắng có trộm cướp vào nhà, thì ngủ kiểu gì được.
Vậy nên bạn cần phòng thủ cho ngôi nhà của bạn. Tốt nhất là tạo nhiều lớp phòng thủ cho ngôi nhà.
Là một người đàn ông, tôi khuyên bạn nên khóa cửa cẩn thận, để công tác điện gần giường, có gì động là có thể bật điện ngay.
Bạn cũng cần để một cái đèn pin và một cây gậy ở trong phòng ngủ. Để đề phòng nhé.
Để tạo thói quen dậy sớm, bạn cần lập kế hoạch hàng ngày
Sau khi nắm bắt những “bí kíp” giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ để đạt được mục tiêu dậy sớm, thì bạn cần làm là lập ra kế hoạch hình thành thói quen dậy sớm hàng ngày.
Việc lên kế hoạch cho việc thức dậy vào buổi sáng rất quan trọng, điều này quyết định khả năng dậy sớm của bạn.
Dưới đây là một số câu hỏi gợi ý giúp bạn xây dựng kế hoạch cho riêng mình:
– Hiện tại bạn ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?
– Bạn thường đi học/đi làm lúc mấy giờ?
– Bạn muốn có thêm bao nhiêu giờ mỗi ngày để làm công việc mình ưa thích?
– Thức dậy lúc mấy giờ là hợp lý nhất?
– Sau khi thức dậy, trình tự và thời gian thực hiện các công việc trong ngày như thế nào?

Ngủ ngon hơn – Dậy sớm hơn – Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn
Thức dậy sớm mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích đáng kể. Nó là một bí quyết giúp bạn làm việc hiệu quả.
Nếu bạn chưa thể quen với việc thức dậy sớm vào buổi sáng, thì không cần lo lắng.
Hãy nhớ rằng, để luyện tập dậy sớm thì bạn cần thay đổi mọi thứ từng bước.
Đồng hồ sinh học của bạn sẽ không thay đổi chỉ sau một đêm đâu.
Theo nhiều nghiên cứu và khảo sát, để hình thành một thói quen cần mất khoảng 21 – 60 ngày.
Khi bạn từ từ điều chỉnh khung thời gian của mình để đi ngủ sớm hơn và xây dựng thói quen hiệu quả, bạn sẽ thức dậy vào sáng sớm dễ dàng hơn nhiều.
Mong rằng bài viết này sẽ là “người bạn đồng hành” giúp bạn luyện tập thành công thói quen thức dậy sớm.
Chúc bạn đạt được kết quả như mong muốn.