Xuân thu Chiến quốc (17) Những chiến tích lớn của binh thánh Tôn Vũ

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 21/04/2024
Danh mục: Huyền Sử

Sau khi giao toàn bộ binh quyền cho Tôn Vũ, Ngô Vương hỏi rằng:

– Hiện tại nếu đánh Sở thì nên đánh nơi nào?

Tôn Vũ kiến nghị nên tấn công Thư Thành, đó là một thành thị của nước Sở. Vì sao? Bởi vì hai em trai của Ngô Vương Liêu là Yểm Dư và Chúc Dung, sau khi Vương Liêu bị thích sát đã chạy đến Thư Thành của Sở. 

Ngô Vương đồng ý xuất binh, tướng quân Tôn Vũ ra trận. Ngay lần xuất binh, Tôn Vũ với khí thế mạnh như trẻ tre, đã lập tức đánh hạ Thư Thành, giúp Ngô Vương diệt trừ hậu họa. Yểm Dư và Chúc Dung bị diệt.

Hạp Lư lệnh cho Tôn Vũ tiếp tục tấn công, Tôn Vũ nói:

– Dân chúng nước Ngô đã mệt mỏi rồi, nên nghỉ ngơi, không thể đánh tiếp nữa.

Tôn Tử đánh trận quả là bách chiến bách thắng, cứ đánh là thắng. Vì sao? Vì trước khi tác chiến ông đã tính toán xong rồi, trận chiến không thắng thì ông không đánh. Cho nên nói mỗi khi ông tấn công thì nắm chắc phần thắng. Tôn Vũ biết rằng lúc này nếu tiếp tục tiến binh thì sẽ thất bại, cho nên sau khi giành được thắng lợi mang tính cục bộ, ông lập tức lui binh.

Năm tiếp theo là năm 511 TCN, Ngô Vương Hạp Lư bị mất thanh bảo kiếm. Sau này phát hiện thanh bảo kiếm bị Sở Chiêu Vương lấy mất, cho nên Hạp Lư rất tức giận. Ngô Vương lần thứ hai tấn công nước Sở, đồng thời ông hướng về nước Việt trưng binh, yêu cầu Việt Vương Doãn Thường phải dẫn quân theo ông, hợp thành một đội quân lớn để tiến đánh nước Sở.

Khi ấy, nước Việt kia là thuộc Trung Quốc, là một chư hầu của Chu Thiên Tử, họ hoàn toàn không có liên hệ gì với bộ tộc Lạc Việt của người nước Nam ta.

Khi đó, nước Việt và nước Sở có quan hệ rất tốt, cho nên Doãn Thường không phái binh. Trận này, nước Ngô dưới sự chỉ huy của Tôn Vũ đã đánh hạ được hai thành của nước Sở là Tiềm và Lục. Sau khi đánh hạ hai thành, nước Ngô lại thu binh.

Ngô Vương Hạp Lư sau khi lui binh, ông rất bất mãn với quốc vương nước Việt. Vì trưng binh nước Việt mà nước Việt lại không đi, ông bèn chuẩn bị khởi binh phạt Việt. Tôn Vũ lập tức ngăn cản, ông nói:

– Trận này không thể đánh. Ngài đánh không thắng.

Mặc dù nước Việt khi ấy chỉ là một nước nhỏ xíu, nhưng Tôn Vũ cũng không so sánh và phân tích thực lực các bên trong cuộc chiến, ông nói đạo lý thế này cho Ngô Vương Hạp Lư:

– Năm nay Tuế tinh ở vào chỗ nước Việt, thảo phạt mang lại bất lợi.

Cái gì gọi là Tuế tinh? Tuế tinh chính là Mộc tinh, tức là sao Mộc. Sao Mộc quay quanh Mặt Trời mất 12 năm, trên thực tế là 11 năm 10 tháng, gần được 12 năm. Người xưa phân Hoàng Đạo thành mười hai cung, cho nên sao Mộc quay quanh Mặt Trời, mỗi năm ở một cung trong mười hai cung Hoàng Đạo. Trung Quốc thời cổ đã có quan niệm về Thiên nhân hợp nhất, sự vận hành của thiên thể với sự việc của con người trên mặt đất là có quan hệ đối ứng.

Trong “Sử ký” có 130 chương, có 8 chương gọi là “thư”. Trong “thư” có một phần gọi là “Thiên quan thư”, giảng về quan hệ đối ứng giữa sự biến hoá của các hành tinh trên trời và sự việc con người trên mặt đất. Tuế tinh đối ứng trên mặt đất là khu vực nào đó, nếu bạn dụng binh ở đây, chiểu theo cách nói của “Thiên quan thư” chính là phạm Thái Tuế. Điều này sẽ xuất hiện vấn đề. 

Điều này cho thấy rằng, Tôn Vũ còn là một người giỏi quan sát thiên tượng, hành sự theo thiên ý. Nếu như thiên tượng có điều gì bất thường, thì cho dù có dễ dàng đánh thắng một nước Việt nhỏ bé, ông cũng quyết định không làm.

Nhưng Hạp Lư không nghe lời khuyên của Tôn Vũ, Ngô Vương đích thân mang đại binh chinh phạt nước Việt. Nước Việt nhỏ bé không có sức chống trả, quân Ngô cướp lấy rất nhiều của cải trở về.

Đương nhiên Hạp Lư rất cao hứng, nhưng Tôn Vũ nói nhỏ với Ngũ Tử Tư rằng:

– Trận này đã phạm Thái Tuế, không quá 40 năm nữa Việt mạnh mà Ngô yếu.

Ý tứ là không đến 40 năm, nước Việt lại biến thành cường quốc, nước Ngô lại có hoạ mất nước. Dự ngôn của Tôn Vũ quả nhiên không sai. Sau này Việt Vương câu tiễn thực sự đã đánh cho nước Ngô suy tàn.

Khi đó, Ngũ Tử Tư còn chưa cho là đúng, nhưng vẫn âm thầm ghi nhớ những lời này của Tôn Vũ. Cũng không biết sau đó có phải vì nguyên nhân này mà Ngũ Tử Tư suốt ngày nói với Ngô Vương về hiểm họa nước Việt không? Ông luôn lo lắng nước Việt sẽ diệt nước Ngô, cũng có thể chính là một trận chiến sống còn đã được bắt đầu trước đó 40 năm.

Năm 509 TCN, nước Sở đem đại quân tấn công nước Ngô nhằm báo thù, nhưng đã phải thất bại dưới tay Tôn Vũ. Sau thắng lợi, Ngô vương Hạp Lư nói với Ngũ Tử Tư rằng:   

– Nếu không thể đánh đến Dĩnh Đô, đô thành của nước Sở, thì không thể tính là hoàn thành việc báo thù này.

Ngũ Tử Tư đáp lại:

– Trong thâm tâm thần không thời khắc nào là không nhớ đến việc tiến vào Dĩnh Đô, nhưng chúng ta hiện tại còn chưa đến lúc đánh vào Dĩnh Đô. 

Hạp Lư hỏi: 

– Vậy khi nào mới là thời cơ thích hợp?.

Ngũ Tử Tư đáp:

– Hiện tại Lệnh doãn của nước Sở chính là thừa tướng Nang Ngoã, hắn là một người rất tham lam. Vì cái tham lam này, hắn ta nhất định sẽ đắc tội với những nước chư hầu của Sở quốc. Khi đó chính là lúc chúng ta tấn công nước Sở.

Vì nước Sở có rất nhiều tiểu quốc (nước nhỏ), như Đường quốc, Thái quốc, Tuỳ quốc, rất nhiều quốc gia như Đốn quốc, Hứa quốc… đều coi nước Sở là tôn chủ quốc (nước mẹ), vẫn thường đi đến đó để triều cống.

Ngũ Tử Tư nói:

– Khi nào những tiểu quốc đó xảy ra lục đục, không còn đứng về phía nước Sở, khi nước Sở ‘dân chúng phản đối, thân tín quay lưng’ mới là cơ hội của chúng ta. Chúng ta ắt phải chờ đến thời khắc đó.

Kết quả, họ đã chờ trong thời gian 3 năm.


Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}