Hàn Tín (18) Oan khuất của Đại Tướng Quân (kết)

Tác giả: Thiên Phong | Cập nhật: 07/04/2024
Danh mục: Huyền Sử

Hàn Tín một đời trung nghĩa, lại bị Lã Hậu xử chết. Bà ta lại nhẫn tâm xử tử ba đời phụ mẫu và thê tử của Hàn Tín. Khi đó là tháng giêng, mùa đông giá rét, tuyết lớn mênh mông che phủ bầu trời, mấy ngàn người vô tội bị xử tử, máu nhuộm đỏ Trường An, âm thanh gào khóc thê lương, đi kèm với tiếng rít của gió bắc lạnh thấu xương, phiêu đãng khắp trên bầu trời Trường An. Người dân khắp thành Trường An đều than khóc, không ai không cảm thấy bi thương.

Sát hại Hàn Tín xong, bọn họ lại dùng thủ đoạn tương tự để đối phó Bành Việt. Bành Việt người Xương Ấp, xuất thân là giặc cướp ở vùng đầm cỏ. Khi Lưu Bang phụng mệnh Sở Hoài Vương xuất binh tây tiến, Bành Việt liền dẫn quân trợ giúp. Trong chiến tranh Hán-Sở, Bành Việt luôn ở hậu phương kiềm chế Hạng Vũ, đã giải tỏa được rất nhiều áp lực cho Lưu Bang. Khi Lưu Bang ở lúc vô cùng khó khăn, ông ta lại tịch thu được lượng lớn lương thực cung cấp cho quân của Lưu Bang. Trước cuộc quyết chiến hai bên Lưu-Hạng, Lưu Bang đã từng giao ước với Hàn Tín và Bành Việt là sau khi thắng lợi sẽ chia ba thiên hạ. Nhưng sau này chỉ phong Bành Việt là Lương Vương, Bành Việt cũng không để ý lắm về chuyện đó.

Bành Việt và Lưu Bang về tuổi tác gần bằng nhau, tính khí tính cách cũng tương đồng, trong lớp khai quốc công thần, ông ta là gần gũi với Lưu Bang nhất. Bành Việt xử lý công việc thận trọng, đặc biệt là sau khi Hàn Tín bị phế làm Hoài Âm Hầu, thì ông ta càng cẩn thận từng ly từng tý, như dẫm trên tảng băng mỏng.

Khi Trần Hy phản loạn, Lưu Bang lệnh cho chư hầu cùng xuất binh chinh phạt. Bành Việt tuổi tác đã cao, lại đúng lúc có bệnh, bèn cử bộ tướng xuất binh đến Hàm Đan để hội quân với Lưu Bang, Lưu Bang rất tức giận. Sau khi về tới Lạc Dương, Lưu Bang phán cho Bành Việt tội danh mưu phản rồi phế làm thứ dân, lưu đày ở huyện Thanh Y nước Thục.

Bành Việt trên đường đi lưu đày gặp Lã Hậu, ông tưởng rằng gặp được cứu tinh liền khóc lóc trước mặt Hoàng hậu, kể lể về chuyện bị oan, cũng nói là mình tuổi tác cao rồi, không cầu gì khác, chỉ muốn có thể về lại quê nhà ở Xương Ấp sống nốt những năm cuối đời là mãn nguyện lắm rồi, không dám có ý đồ gì khác. Lã Hậu đỡ Bành Việt lên rồi trấn an ông ta rằng: “Lương Vương không cần phải đau buồn, tất cả đã có ta, ngươi lên xa giá theo ta về Lạc Dương, gặp Hoàng Thượng, ta sẽ nói hộ ngươi”.

Vừa về đến Lạc Dương, bà ta liền trách cứ Hán Cao Tổ đã thả hổ về rừng, nên phải nhổ cỏ tận gốc, để trừ hậu họa. Vì để định vững tội danh của Bành Việt, bà ta mua chuộc thuộc hạ của Bành Việt để vu cáo cho tội mưu phản, thủ đoạn và cách đối phó giống như cùng vệt bánh xe với Hàn Tín. Kết quả, Bành Việt xui xẻo không những thân vong tộc diệt, Lã Hậu còn sai người đem thi thể của ông băm nát làm thành tương thịt, phân phát cho các chư hầu thưởng thức.

Lưu Bang và Lã Hậu lo lắng rằng việc sát hại Hàn Tín sẽ bị đời sau chê trách, liền thêu dệt tội danh, tạo chứng cứ. Không chỉ chụp cho Hàn Tín tội mưu phản mà còn đem cái chết của Lệ Thực Kỳ và Chung Ly Muội đổ lên đầu Hàn Tín nhằm làm ô uế danh tiếng của ông và còn đem những điều đó ghi vào trong hồ sơ chính thức và trong sử sách, khiến chân tướng lịch sử đã bị che đậy.

Trong “Sử ký” cũng ghi chép là Hàn Tín cùng với Trần Hy bàn bạc về việc mưu phản. Nếu như Hàn Tín xác thực có lòng mưu phản, tại sao khi ở chức Tề Vương, khi ông có đầy đủ thực lực cùng Lưu Bang, Hạng Vũ để lập thế chân vạc, nhưng ông lại không làm phản, mà ở vào tình thế không binh không lính lại đi tạo phản? Phân tích những ghi chép trong “Sử ký” đối chiếu với ghi chép liên quan đến việc Hàn Tín mưu phản, đều có thể nhận thấy rất nhiều chỗ mâu thuẫn:

Thứ nhất, khi Lưu Bang còn chưa định rõ thắng thua, Hàn Tín đã cự tuyệt khi Khoái Thông đến du thuyết, rồi đợi đến lúc Lưu Bang công thành danh toại ông lại thay lòng đổi ý hay sao? Một tướng soái am tường binh pháp có hành vi như thế là trái với lẽ thường.

Thứ hai, Hàn Tín đã hai lần bị Lưu Bang đột kích tước binh quyền, cộng thêm sự phân tích của Khoái Thông, Hàn Tín không thể không phát hiện được sự nghi kỵ và sợ hãi của Lưu Bang đối với ông. Nhưng khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây khốn ở Cố lăng, Hàn Tín đã không mưu phản, khi đến đất Sở làm Sở Vương thì cũng không mưu phản, khi đón Lưu Bang ở đất Trần, ông cũng lại không mưu phản, vậy vì cớ gì khi vào lúc không quyền không binh, ẩn cư ở Trường An thì lại mưu phản?

Thứ ba, với trí huệ của Hàn Tín, không thể nào dưới tình huống bị giám sát, mà lại cùng với Trần Hy “tránh tả hữu rồi cùng đi vào trong triều” bàn bạc việc mưu phản. Giả sử xác thực có chuyện đó, khi Hàn tín và Trần Hy bàn tính mưu phản cũng không có người thứ ba ở đó, người ngoài làm sao biết được nội dung? Ghi chép của Tư Mã Thiên làm sao có thể chi tiết như thế?

Thứ tư, Trần Hy là thân tín của Lưu Bang, Trần Hy với Hàn Tín là quan hệ thông thường, mưu phản là chuyện lớn liên quan đến tính mệnh của cả gia tộc, Hàn Tín không thể tùy tiện cùng với thân tín của Hoàng đế thổ lộ tâm tư. Trần Hy đến Cự Lộc nhậm chức được mấy năm, không có thông tin qua lại với Hàn Tín, nên nói ông ta là đồng mưu với Hàn Tín khó mà khiến người ta tín phục.

Trái lại, xem xét hành vi của Lã Hậu và Lưu Bang, thực hư chuyện Hàn Tín “mưu phản” còn chưa rõ, Lã Hậu đã dụ ông vào mà giết. Đối với đệ nhất công thần bị giết, Lưu Bang hoàn toàn không trách cứ Lã Hậu, thậm chí không điều tra thêm, chỉ có thể nói là bọn họ đã bày mưu từ trước.

Hàn Tín bị giết, người đời sau đua nhau biểu lộ cách nhìn. Có người nói lúc Hàn Tín đăng đàn bái tướng đã gây ra sự đố kỵ của đám người Lưu Bang. Cũng có người nói là Hàn Tín ỷ có công cao sinh ra ngạo mạn dẫn tới tai họa. Còn có người cho rằng Hàn Tín tuy là danh tướng kiệt xuất, giỏi mưu kế với thiên hạ, nhưng lại thiếu trí huệ xử thế, tính toán cho mình kém. Kỳ thực đều không phải, bởi vì từ cá tính và tâm địa của Lưu Bang mà nói, những vị vương khác họ như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố đều khó tránh vận xui xẻo.

Sau khi Hàn Tín, Bành Việt bị giết, mấy vị vương khác họ có công rất lớn trong cuộc chiến Hán Sở, cũng đều bị giết vì đủ loại lý do, chỉ có Trường Sa Vương Ngô Nhuế chết sớm, may mắn thoát được. Sau đó, Lưu Bang cùng các đại thần giết ngựa trắng mà hội thề rằng: “Không phải họ Lưu mà làm vương, thiên hạ sẽ cùng đánh người đó”. Có thể thấy việc trừ bỏ những vị vương khác họ là quốc sách đã định của Lưu Bang, đây mới chính là nguyên nhân thực sự khiến Hàn Tín bị giết.

Hoài Nam Vương Anh Bố bị tố cáo, bởi vì sợ hãi nên đã dấy binh tạo phản. Lưu Bang tuổi cao lại có bệnh nhưng vẫn buộc phải xuất chinh, hao binh tốn của mãi mới bình định được Anh Bố, Lưu Bang cũng bị thương do trúng tên.

Người bạn được tín nhiệm nhất của Lưu Bang là Yên Vương Lư Quán, vì lo cho mình nên đã liên lạc với Hung Nô, bị phát hiện phải chạy trốn sang Hung Nô. Không lâu, do vừa bị bệnh vừa bị thương, nên một đời kiêu hùng Lưu Bang đã qua đời trong sự cô lập hoàn toàn.

Hàn Tín giành được thiên hạ cho nhà Hán, nhưng Lưu Bang quỷ kế đa đoan, mặt dày vô sỉ, đã được hưởng trọn thành quả ấy. Sau Lưu Bang lại lấy tội danh “mưu phản” để chụp mũ, khiến cho chiến thần một đời oai phong lẫm liệt, công cao cái thế, đã phải chết oan ở trong cung Trường Lạc, để lại một mối hận nghìn thu.

Là một nhà quân sự, trong tất cả chiến dịch mà Hàn Tín chỉ huy, không kể là lấy ít thắng nhiều, lấy nhiều đánh ít, hay là lấy yếu thắng mạnh, đều là dùng trí tuệ mà giành được chiến thắng. Minh tu sạn đạo, lén vượt Trần Thương, Lâm Tấn nghi binh, thực đánh Hạ Dương, thùng gỗ vượt sông, bày trận tựa sông, thay thế cờ địch, truyền hịch mà định, bao cát ngăn sông, bán độ nhi kích, tứ diện Sở ca, thập diện mai phục… mỗi một trận chiến của Hàn Tín đều là tuyệt tác của Thần, khiến người đời sau vô cùng ngưỡng mộ.

Là một chiến lược gia, lời mà ông nói lúc Lưu Bang lập đàn bái tướng đã trở thành sách lược căn bản của thắng lợi trong chiến tranh Hán Sở. Là thống soái, ông dưới một người, trên vạn người, dẫn quân xuất Trần Thương, bình định Tam Tần, bắt Ngụy, phá Đại, diệt Triệu, hàng Yên, phạt Tề, mãi cho đến trận chiến Cai Hạ toàn diệt quân Sở, không một lần bại. Thiên hạ không ai dám tranh với ông, chính ông là người có công tích vĩ đại lập ra cơ nghiệp kéo dài hơn 400 năm nhà Hán.

Là nhà lý luận quân sự, ông cùng với Trương Lương chỉnh lý binh thư, đồng thời có ba thiên binh pháp.

Các nhà quân sự nội ngoại cổ kim, hoặc là giỏi về bày mưu tính kế, hoặc giỏi về công thành trảm tướng, hoặc chuyên soạn thảo binh pháp, mà bản thân Hàn Tín lại kiêm tất cả. Ông không chỉ tung hoành ngang dọc, hô mưa gọi gió, mà còn kế thừa và phát huy các phái binh pháp của tiền nhân. Tài thao lược quân sự và mưu trí dụng binh trác việt của ông đã được các nhà quân sự đời sau tôn sùng ngưỡng mộ.

Đến đây là kết thúc loạt bài về vị anh hùng Hàn Tín. Cảm ơn các bạn đã theo dõi video này, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}